Bước ngoặt nguy hiểm

08:43 17/08/2024

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước vào một giai đoạn mới khi Kiev phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực Kursk, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Trận chiến này làm thay đổi cục diện chiến trường và có thể ảnh hưởng lớn đến chiến lược của cả hai bên trong thời gian tới.

Các chuyên gia đã đưa ra một số lý do để giải thích cho luận điểm tại sao đây lại là bước ngoặt trong cuộc xung đột. Thứ nhất, cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk đã gây ra tổn thất quân sự đáng kể cho Nga. Việc Ukraine chiếm giữ lãnh thổ Nga không chỉ là một thất bại quân sự mà còn tác động tiêu cực đối với hình ảnh của chính quyền Nga trong việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Quân đội Nga tiếp viện tới Kursk. Ảnh: RT

Hôm 14/8, các quan chức Ukraine thông báo, họ đã kiểm soát được 1.000km2 lãnh thổ của đối phương, trong đó có 74 khu định cư. Tiếp theo là chiến thuật tấn công đột phá: Ukraine đã chứng minh khả năng triển khai các chiến thuật quân sự sáng tạo và đồng bộ. Việc sử dụng chiến thuật tác chiến điện tử để làm mù thiết bị bay không người lái và can thiệp vào các mạng lưới vô tuyến đã tạo ra một “hố đen” cho Quân đội Nga.

Điều này cho thấy, Ukraine có khả năng tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn và phối hợp chặt chẽ, cũng như có thể dẫn đến việc Quân đội Nga phải điều động lực lượng từ các mặt trận khác để tăng cường phòng thủ. Và cuối cùng, trận Kursk mang lại sự tự tin không chỉ cho quân đội Ukraine mà còn cho các đồng minh phương Tây. Điều này có thể tạo động lực cho Ukraine trong các cuộc đàm phán sắp tới và củng cố vị thế của họ trên bàn đàm phán.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak nhấn mạnh, cuộc đột kích giúp tăng cường vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán tương lai với Nga. Nếu Kiev tiếp tục chứng minh được khả năng tấn công hiệu quả, họ có thể tạo ra các cơ hội mới để giành lấy lợi thế và củng cố thế mặc cả của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh việc làm nổi bật những hạn chế của đối phương, cuộc tấn công của Ukraine cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm điểm yếu của Ukraine khi mở rộng chiến tuyến và điều động các lực lượng mới giữa thời điểm các nhà lãnh đạo quân sự đang thiếu nhân lực.

Để tiến hành chiến dịch tấn công vào Kursk, Ukraine đã triển khai các tiểu đoàn được rút từ nhiều lữ đoàn mà trong đó, một số lực lượng được rút từ những khu vực nóng nhất tiền tuyến, nơi cuộc tấn công của Nga không có dấu hiệu giảm bớt. Cho đến nay, lợi thế chiến lược tổng thể của Moscow vẫn được bảo toàn.

Cuộc đột kích của Ukraine vào khu vực Kursk đã nhận được sự ủng hộ từ các nước phương Tây. Ngày 14/8, Phần Lan và Estonia đã trở thành hai quốc gia NATO mới nhất ủng hộ động thái của Kiev, sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Trước đó, Ba Lan đã trở thành thành viên NATO tiếp theo đưa ra sự hỗ trợ có chừng mực cho việc Ukraine xâm nhập khu vực Kursk của Nga, sau khi Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng Kiev “có mọi quyền tiến hành chiến tranh theo cách làm tê liệt Nga”.

Trong khi đó, các thành viên NATO cho biết vũ khí của họ không được phép sử dụng bên trong lãnh thổ Nga vì lo ngại leo thang căng thẳng Nga - NATO nhưng các đồng minh của Kiev cũng không gây áp lực buộc Ukraine phải giảm bớt nỗ lực tấn công qua biên giới, coi hoạt động này là cần thiết để chống lại Moscow.

Khi được hỏi về việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Thủ tướng Donald Tusk nhấn mạnh rằng, “các hành động của Kiev chỉ mang tính chất phòng thủ”. Phát ngôn này lặp lại quan điểm từ Bộ Ngoại giao Đức, với một tuyên bố cho rằng quyền tự vệ của Ukraine “được quy định trong luật pháp quốc tế” và “điều này không chỉ giới hạn ở lãnh thổ của nước này”.

Về phần mình, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Nabila Massrali nói rằng, EU không bình luận về các diễn biến hoạt động tại Kursk nhưng “hoàn toàn ủng hộ việc Ukraine thực hiện hợp pháp quyền tự vệ vốn có của mình”. Ủy viên chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thì cho rằng, Kiev nhận được “sự ủng hộ hoàn toàn” của khối đối với cuộc tấn công Kursk. Tuy vậy, hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây từ chối bình luận về cuộc tấn công của Ukraine, thay vào đó đưa ra những tuyên bố chung chung ủng hộ quyền “tự vệ” của Kiev. Họ cũng khẳng định không biết trước thông tin hoặc sự liên quan đến hoạt động này.

Về phía Nga, các quan chức nước này cáo buộc các cơ quan tình báo phương Tây đã giúp Ukraine lên kế hoạch cho cuộc đột kích vào tỉnh Kursk. Ông Mikhail Sheremet, Hạ nghị sỹ đại diện cho Crimea đồng thời là thành viên của Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga, cho rằng, sự hiện diện của thiết bị quân sự phương Tây, việc đạn dược và tên lửa phương Tây được Ukraine sử dụng trong những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự là bằng chứng không thể chối cãi về sự tham gia của người nước ngoài trong chiến dịch tấn công lãnh thổ Liên bang Nga.

Từ đó, theo ông, “người ta có thể đi đến kết luận rằng thế giới đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”. Bình luận của ông Mikhail Sheremet phản ánh nỗi lo ngại ngày càng tăng ở Moscow rằng, cuộc xung đột (với Ukraine) không còn là vấn đề khu vực nữa mà có thể leo thang thành một thảm họa toàn cầu, xét đến việc Kiev đang được các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu hỗ trợ.

Mức độ nghiêm trọng của tình hình cũng đã được ông Nikolai Patrushev lặp lại trong một cuộc phỏng vấn với báo Izvestia. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông cho rằng, Ukraine sẽ không bao giờ dám thực hiện một cuộc đột kích quy mô lớn vào lãnh thổ Nga nếu không có sự chấp thuận của Mỹ và sự hỗ trợ của NATO.

Ông nhấn mạnh: “Những tuyên bố của giới lãnh đạo Mỹ về việc không liên quan vào các hành động của Ukraine ở tỉnh Kursk là không đúng với thực tế... Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ trực tiếp của họ, Kiev sẽ không mạo hiểm tiến vào lãnh thổ Nga”. Bên cạnh đó, theo ông Nikolai Patrushev, “các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine vũ khí, huấn luyện viên quân sự và thông tin tình báo liên tục cho Kiev. Chiến dịch ở Kursk cũng được lên kế hoạch với sự tham gia của các đặc vụ NATO và phương Tây”. Các quan chức Nga cũng khẳng định rằng, bất kỳ cơ hội đàm phán nào hòa bình cũng sẽ bị “tạm dừng lâu dài” sau cuộc tấn công của Ukraine.

Khổng Hà (tổng hợp)

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, trong đó có việc ủng hộ tiền, vật chất cho đồng bào bị lũ lụt. Vì thế, việc Ủy ban Trung ương   MTTQ Việt Nam (MTTQ) đăng công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với tổng số tiền 527,7 tỷ đồng, tính đến 17h ngày 12/9 được dư luận đánh giá rất cao; cho đây là hành động công khai, minh bạch, kịp thời truyền tải được tình cảm của người dân Việt Nam với đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Về phía MTTQ Việt Nam, thông qua sự kiện, đơn vị cũng kỳ vọng các tổ chức cá nhân khác tiếp nhận ủng hộ …, cũng làm tương tự, công khai kết quả tiếp nhận, sao kê.

Theo thống kê, hằng năm, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 người chấp hành án trên toàn quốc được đặc xá, chấp hành xong án phạt từ trở về cư trú, sinh sống trên địa bàn. Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22, đã tạo điều hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, hoạt động có hiệu quả.

Với mức phí quản lý lên đến 23.000 đồng/m2, chung cư Đảo Kim Cương (ĐKC) ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh thuộc top đầu các chung cư cao cấp có mức phí quản lý cao nhất cả nước. Với 7 toà nhà cao tầng, khu chung cư này đang có gần 1.400 hộ dân, riêng khoản phí quản lý, mỗi năm chung cư ĐKC đã thu được trên 49 tỉ đồng.

Không thấy con gái lùa bò về nhà khi trởi sắp tối nên cha mẹ vội vã tìm kiếm. Đến khi phát hiện con gái nằm bất động dưới suối, người cha lao xuống cứu con nhưng cũng lâm vào tình trạng tử vong nghi ngờ do bị điện giật.

Thời hạn tắt sóng 2G only sẽ được kéo dài thêm 1 tháng, đến ngày 15/10 để bảo đảm nhu cầu thông tin trong thời gian doanh nghiệp và người dân khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ thì trên không gian mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn, cơ hội lại tiếp tục lợi dụng tình hình này để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phán xét chủ quan nhằm chia rẽ, phá hoại.

Dự báo, khu vực ven sông các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương tiếp tục ngập lụt trong khoảng 3-6 ngày tới. Vùng ngoài đê sông Hồng, sông Nhuệ tại Hà Nội, nước rút sau 2-3 ngày tới, riêng vùng ven sông Bùi ở Chương Mỹ ngập thêm 10-13 ngày tới.

Vào đêm qua, sau nỗ lực làm việc xuyên ngày đêm của lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị doanh nghiệp, một số tuyến đường từ trung tâm huyện Bát Xát tới các xã, trong đó có Mường Hum, nơi 142 giáo viên, học sinh Trường THCS và THPT số 3 xã Mường Hum, Bát Xát (Lào Cai) thoát nạn vụ sập nhà bán trú. Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được địa bàn để tiếp tế lương thực, thực phẩm, đưa người bị nạn đi điều trị sau 4 ngày liên tục bị cô lập.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文