Campuchia bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực quan trọng
Ngày 7/8, Quốc vương Norodom Sihamoni đã kí Sắc lệnh Hoàng gia, sắc phong Tiến sĩ Hun Manet là Thủ tướng Vương quốc Campuchia nhiệm kì 2023-2028, đánh dấu việc Campuchia sẽ có lãnh đạo Chính phủ mới sau hơn 38 năm cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen.
Sắc lệnh của Quốc vương Sihamoni được ban hành sau hai ngày, kể từ thời điểm Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.
Với Sắc lệnh Hoàng gia vừa ban hành, Tiến sĩ Hun Manet đã bổ sung, hoàn thiện thêm một điều kiện nữa trong lộ trình trở thành người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kì tới, gồm sự nhất trí trong nội bộ CPP, trúng cử nghị sĩ Quốc hội, được Quốc vương bổ nhiệm bằng Sắc lệnh hoàng gia và được Quốc hội tín nhiệm thông qua.
Sắc phong cũng giao cho Thủ tướng mới nhiệm vụ chuẩn bị thành phần tổ chức của Hội đồng Bộ trưởng (tức Nội các) Chính phủ Hoàng gia khóa VII, nhiệm kì 2023-2028 để trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Theo lịch trình dự kiến, Quốc hội Campuchia khóa VII sẽ họp phiên đầu tiên và tiến hành kì họp thứ nhất vào ngày 21 và 22/8 tới đây.
Hiếp pháp Campuchia qui định sau khi bộ máy Quốc hội khóa mới được thành lập, Quốc vương sẽ ân chuẩn, sắc phong nhân sự giữ chức danh Thủ tướng để thành lập chính phủ mới, trên cơ sở đề xuất của chính đảng giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Điều 119 (mới) của Hiến pháp Campuchia qui định đề xuất của chính đảng có số ghế nhiều nhất trong Quốc hội được sao chuyển cho Chủ tịch Quốc hội, đồng thời yêu cầu nhân sự được giới thiệu chức danh Thủ tướng phải là nghị sĩ Quốc hội và chỉ có một quốc tịch Campuchia.
Đại tướng, Tiến sĩ Hun Manet sinh năm 1977, là con trai cả trong gia đình Chủ tịch CPP, Thủ tướng Hun Sen. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông vào phục vụ Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) năm 1995, sau đó được cử đi du học tại Học viện Quân sự Mỹ West Point. Ngoài học về quân sự, ông Hun Manet cũng theo học chuyên ngành kinh tế, có bằng Thạc sĩ Đại học New York (Mỹ) năm 2002 và bằng Tiến sĩ Đại học Briston (Anh) năm 2008. Năm 2011, Tiến sĩ Hun Manet được phong hàm Thiếu tướng. Sau nhiều năm phấn đấu, ông trở thành Đại tướng năm 2018. Hiện nay, ông giữ các chức Phó Tổng tư lệnh RCAF, Tư lệnh lực lượng Lục quân, Ủy viên Ban Thường vụ CPP, Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên CPP...
Thời gian qua, tại Campuchia, Đại tướng, Tiến sĩ Hun Manet được ghi nhận đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, phòng, chống đại dịch COVID-19, cũng như trong công tác vận động thanh niên phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, tích cực tham gia công tác xã hội.
Theo đánh giá của dư luận trong nước và quốc tế, ông Hun Manet tiếp tục đường lối đối nội, đối ngoại của CPP và Thủ tướng Hun Sen. Phát huy những thành tựu của đất nước trong gần nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, chính phủ mới tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, với các nước láng giềng, trong khu vực và thế giới.
Mặc dù ít xuất hiện trên trường quốc tế và hiếm khi trả lời phỏng vấn, ông Hun Manet lại thường xuyên tương tác trên mạng xã hội. Trong một đoạn video do chính ông công bố trên Facebook hôm 7/7, chính trị gia này đã bày tỏ cam kết làm việc để bảo vệ cuộc sống, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước và nâng cao mức sống của người dân.
Trước đó, theo số liệu do NEC công bố hôm 5/8, cuộc bầu cử năm nay ghi nhận hơn 8,2 triệu cử tri tham gia bầu cử, chiếm gần 85% trong tổng số hơn 9,7 triệu cử tri trong danh sách, cao nhất so với các cuộc bầu cử được tổ chức tại đất nước Đông Nam Á này trong 20 năm gần đây. Với gần 6,4 triệu phiếu ủng hộ, chiếm hơn 82% trong tổng số hơn 7,7 triệu phiếu bầu hợp lệ, CPP giành được 120 ghế nghị sĩ trong Quốc hội Campuchia khóa mới. 5 ghế còn lại thuộc về đảng Funcinpec với hơn 700.000 phiếu ủng hộ, chiếm tỷ lệ hơn 9% tổng số phiếu bầu hợp lệ.
Hơn 400 quan sát viên quốc tế từ 61 cơ quan, tổ chức quốc tế, khoảng 90.000 quan sát viên trong nước cùng hơn 60.000 nhân viên của các đảng phái đăng kí tham gia giám sát tiến trình bầu cử. Trong tổng số hơn 40 đảng phái đăng kí hoạt động tại Campuchia, có 18 chính đảng đủ điều kiện tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử vừa qua.
Theo quan sát tiến trình bầu cử, chỉ có 8 chính đảng đăng kí ứng cử viên tại tất cả 25 khu vực bầu cử trong cả nước (gồm thủ đô Phnom Penh và 24 đơn vị hành chính cấp tỉnh khác). Trong số này, đảng cầm quyền khẳng định thế mạnh vốn có khi giới thiệu 274 ứng cử viên (125 chính thức, 149 dự bị) với nhiều chính khách tên tuổi tham gia tranh cử tại tất cả các khu vực bầu cử và đã giành chiến thắng áp đảo. Đảng Funcinpec cũng cho thấy vì sao họ giành được 5 ghế nghị sĩ còn lại khi có đến 278 ứng cử viên (125 chính thức, 153 dự bị) tham gia tranh cử tại 25 khu vực bầu cử trong cả nước.
Cuộc tổng tuyển cử năm 2023 tại Campuchia đã khép lại, toàn bộ tiến trình được giới quan sát đánh giá là ôn hòa, có trật tự và thông suốt. Ngoài ra, dù kết quả không có nhiều bất ngờ, người dân Campuchia vẫn hướng tới giai đoạn chuyển giao lịch sử về quyền lực cũng như thế hệ lãnh đạo, có thể chèo lái đất nước hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.