Căng thẳng ngoại giao khi chiến sự Israel-Hamas leo thang
Một số nước Mỹ Latinh đã có tuyên bố cứng rắn sau vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn lớn nhất ở Gaza, thậm chí cắt đứt quan hệ chính thức với Israel, trong khi thế giới Arab cũng dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án hành động này.
Chiến sự tại Dải Gaza tiếp tục leo thang nguy hiểm khi quân đội Israel tăng cường chiến dịch không kích, đồng thời từng bước đẩy mạnh hoạt động tấn công bộ binh hòng bóp nghẹt khả năng kháng cự của Phong trào Hamas.
Ngày 31/10, Israel tiến hành một trong những đợt không kích đáng chú ý nhất, nhằm vào một khu dân cư thuộc trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Gaza, khiến hơn 400 người chết và bị thương theo ước tính của Hamas. Đây là nơi cư trú của các gia đình người tị nạn sau các cuộc chiến tranh với Israel kể từ năm 1948.
Truyền thông khu vực và các nguồn tin Y tế Palestine khẳng định, phần lớn thương vong trong cuộc tấn công là phụ nữ và trẻ em. Đây là cuộc tấn công đơn lẻ gây thương vong lớn thứ hai tại Dải Gaza kể từ khi quân đội Israel phát động chiến dịch không kích mang tên "Gươm sắt" vào vùng đất này sáng 7/10 để đáp trả cuộc tấn công của Hamas.
Giữa lúc chiến sự tại Gaza căng thẳng, Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Freddy Mamani tối 31/1 (giờ địa phương) thông báo rằng nước này "quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Israel để phản đối cuộc tấn công quân sự hung hãn và không cân xứng của Israel đang diễn ra ở Dải Gaza". Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước này, bà Maria Nela Prada, cũng tuyên bố Bolivia sẽ gửi viện trợ nhân đạo tới Gaza.
"Chúng tôi yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công ở Dải Gaza, cho đến nay đã khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng và buộc người Palestine phải di tản", bà Maria Nela Prada nhấn mạnh. Đáp lại, Israel ngày 1/11 cáo buộc Bolivia "đầu hàng chủ nghĩa khủng bố". Bộ Ngoại giao Israel cũng tìm cách hạ thấp quyết định của Bolivia, cho rằng "mối quan hệ giữa hai nước dù sao cũng không có nội dung gì" kể từ khi ông Luis Arce tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Các nước láng giềng của Bolivia như Colombia và Chile cũng triệu hồi đại sứ của họ để tham vấn, lên án bạo lực đã cướp đi sinh mạng của dân thường ở Gaza và kêu gọi các bên ngừng bắn. Viết trên trang mạng xã hội X, Tổng thống Chile Gabriel Boric cáo buộc Israel "vi phạm không thể chấp nhận được Luật Nhân đạo Quốc tế" và tuân theo chính sách "trừng phạt tập thể" đối với người dân Gaza. Chile có cộng đồng người Palestine lớn nhất và lâu đời nhất bên ngoài thế giới Arab. Tổng thống Colombia Gustavo Petro cũng gọi các cuộc tấn công là "vụ thảm sát người dân Palestine". Các quốc gia Mỹ Latinh khác, bao gồm Mexico và Brazil, cũng đã kêu gọi ngừng bắn.
Bolivia là một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Israel vì cuộc chiến ở Gaza. Ít nhất 13 công dân từ một số quốc gia Mỹ Latinh nằm trong số những người thiệt mạng và khoảng 20 người khác vẫn mất tích. Bolivia trước đó từng cắt quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 2009, cũng để phản đối hành động của Israel ở Gaza. Mối quan hệ được khôi phục vào năm 2020. Trong khi đó Hamas hoan nghênh quyết định của Bolivia và kêu gọi các nước Arab đã bình thường hóa quan hệ với Israel cũng làm điều tương tự.
Các nước khối Arab đã lên án vụ không kích của Israel vào khu tị nạn Jabalia ở Gaza tối 31/10 bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất. Trong một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Arab Saudi phát đi nêu rõ: "Arab Saudi lên án về việc lực lượng Israel nhắm mục tiêu vô nhân đạo vào trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza". Tuyên bố cho biết thêm, cuộc tấn công mới nhất vào trại tị nạn đông dân cư "đã gây ra cái chết và thương tích của một số lượng lớn thường dân vô tội".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Jordan lên án "hành động gây hấn của Israel" và "buộc Israel phải chịu trách nhiệm về động thái nguy hiểm này". Bộ Ngoại giao Jordan khẳng định hành động của Israel "đi ngược lại mọi giá trị nhân văn, đạo đức cũng như các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố Iran "lên án vụ tấn công dã man" vào trại Jabalia.
Đồng quan điểm này, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cảnh báo rằng "các cuộc tấn công bừa bãi sẽ dẫn đến sự chia rẽ không thể khắc phục được trong khu vực". Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng ra tuyên bố cực lực lên án vụ tấn công, coi đây là "hành vi xâm phạm trắng trợn luật pháp quốc tế". Trong khi đó, hàng chục cuộc biểu tình nổ ra tại thủ đô và một số thành phố lớn của gần 10 quốc gia trong khu vực để bày tỏ sự phẫn nộ về cuộc tấn công của quân đội Israel.
Về phần mình, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khẳng định cuộc tấn công vào Jabalia đã tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của Hamas, Nasim Abu Ajina, người được phía Israel cho là đã chỉ đạo cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7/10. Người phát ngôn của IDF cho biết các hoạt động của Ibrahim Biari bắt đầu từ trước năm 2004 khi "chủ mưu" một cuộc tấn công ở Ashdod dẫn đến giết hại 13 người Israel.
Theo người phát ngôn IDF, "hàng chục chiến binh Hamas cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công hôm 31/10, các đường hầm dưới lòng đất bên dưới trại bị sập", đồng thời, IDF vẫn đang làm việc để xác định con số thương vong chính xác. Thêm nữa, hơn 20.000 binh sĩ Israel đã tiến vào Gaza để thực hiện các hoạt động chiến đấu bên trong Gaza kể từ ngày 28/10.
Cuối tuần qua, hai sư đoàn chiến đấu của Lục quân và Tăng thiết giáp cũng đã được triển khai vào Gaza để tìm diệt Hamas. Chiến dịch phong tỏa và không kích trong gần 4 tuần qua của quân đội Israel vào Dải Gaza đang đẩy vùng đất với gần 2,5 triệu dân này tiến gần hơn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Theo nhiều tổ chức quốc tế, với việc nguồn cung cấp thuốc men, nước uống và lương thực tại Gaza gần như đã cạn kiệt hoàn toàn, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại Gaza chỉ còn tính bằng giờ.