Chuyển động mới trong quan hệ Mỹ-Trung

09:45 29/10/2021

Sau các cuộc đối thoại cấp cao nhằm cải thiện quan hệ song phương tại thành phố Zurich (Thụy Sỹ) giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 6/10, hai bên đã nhất trí về mặt nguyên tắc để các lãnh đạo cấp cao tổ chức một cuộc họp trực tuyến cuối năm nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đây có thực sự là những biến chuyển mang tính bước ngoặt?

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của giới chức kể từ sự kiện đầy sóng gió tại Alaska hồi tháng 3/2021, Nhà Trắng cho biết ông Jake Sullivan đã nêu quan ngại về các vấn đề gây tranh cãi như hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhân quyền và lập trường của Bắc Kinh đối với Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.

Quan chức này nêu rõ: “Quan điểm của tôi là cạnh tranh tích cực đòi hỏi ngoại giao tích cực. Do đó, chúng ta cần thêm những cuộc họp như thế này chứ không được bớt”. Ông cũng cho biết đã “trao đổi thẳng thắng” với đối tác Trung Quốc về tình hình Eo biển Đài Loan: “Chúng tôi coi Đài Loan là một nền kinh tế năng động, một nền dân chủ năng động... một nơi chúng tôi rất chú trọng có được một mối quan hệ sâu rộng và lâu dài trên nhiều chiều hướng”.

Vẫn còn quá sớm để nói về “phá băng” quan hệ song phương dù những cơ hội rất tốt đang mở ra cho Mỹ và Trung Quốc để tiếp tục đối thoại.

Theo đài Sputnik, tại cuộc gặp ở Zurich, Trung Quốc đã đề xuất một lộ trình để “phá băng” quan hệ song phương, bao gồm việc Mỹ theo đuổi một chính sách hợp lý và thực dụng đối với Trung Quốc, hai bên tôn trọng lợi ích của nhau. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung vào cuối năm nay có thể trở thành một phép thử quan trọng đối với khả năng của Bắc Kinh và Washington trong việc hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng niềm tin song phương. Khi cuộc gặp kết thúc, cả Bắc Kinh và Washington đều cho biết các cuộc đàm phán kéo dài 6 giờ mang tính xây dựng và chân thành.

Những đồn đoán ban đầu cho rằng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể gặp mặt trực tiếp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Italy trong tháng này, song những tia hy vọng đã dập tắt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có kế hoạch tới Rome. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh rằng những diễn biến mới không nên được coi là sự hạ nhiệt trong quan hệ, và “những gì chúng tôi đang cố gắng đạt được là một trạng thái ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc ở mức chúng tôi có thể cạnh tranh mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm”.

Bà gọi thỏa thuận tiếp tục đối thoại ở cấp cao nhất là một trong những kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp tại Zurich và hai bên đang tiếp tục lên kế hoạch song chưa thể có chi tiết cuối cùng về cuộc họp. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc nổi tiếng tại Nga, quyền Giám đốc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga Aleksey Maslov cũng nhìn nhận cuộc gặp ngày 6/10 tại Thụy Sỹ chưa phải là cuộc gặp “phá băng” trong quan hệ Trung-Mỹ. Lập trường của hai bên vẫn không thay đổi, song ông thừa nhận Trung Quốc và Mỹ đã thay đổi giọng điệu trong cuộc đối thoại.

Ông phân tích: “Các cuộc đàm phán thực sự mang tính xây dựng. Rõ ràng là cả hai bên đều muốn áp dụng một hình thức đối thoại mới, trong khi Mỹ vẫn đưa ra những tuyên bố cáo buộc Trung Quốc. Đây là tình hình ở Hồng Kông, Tân Cương và theo Mỹ là cả việc kích động căng thẳng ở Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc - theo phát biểu của ông Dương Khiết Trì - sẵn sàng tiến hành đối thoại về mọi vấn đề, nhưng kiên quyết bác bỏ các cáo buộc liên quan đến nhân quyền. Tức là nhìn chung, lập trường của hai bên vẫn không thay đổi, nhưng giọng điệu đối thoại đã thay đổi”.

Chuyên gia Alexey Maslov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận về việc tổ chức cuộc gặp trực tuyến của lãnh đạo hai nước: “Chúng tôi đã nghe tuyên bố của ông Joe Biden ngay trước thềm cuộc gặp này. Ông đã nói rằng Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc một thế giới bị chia rẽ thành từng khối. Bằng cách này, Tổng thống Mỹ đã gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó, lời tuyên bố này đã mang lại kết quả cho cuộc đàm phán. Điều quan trọng cần nhớ là trước cuộc gặp này, cả hai bên đã bác bỏ khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ... Cả hai đã rút khỏi ranh giới đỏ và có thể tiến hành cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng cần phải hiểu rằng, các cuộc đàm phán tại Zurich đã diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xung quanh Đài Loan đang gia tăng”.

Vị chuyên gia cũng cho rằng rất có thể Mỹ đang có những tính toán riêng, mềm mỏng trước cuộc đàm phán, đồng thời đang tạo ra một chuỗi căng thẳng xung quanh Trung Quốc, tức là đang cố gắng chơi trên tất cả các “thế trận”, và “vì vậy còn quá sớm để nói về “phá băng” quan hệ song phương dù những cơ hội rất tốt đang mở ra cho hai bên để tiếp tục đối thoại”.

Về Trung Quốc, hãng tin Bloomberg cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có rất nhiều lý do cấp bách để sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden và giải quyết những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thông báo về khả năng diễn ra một hội nghị trực tuyến trước cuối năm nay được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc phải vật lộn với một loạt thách thức trong nước và hàng loạt cột mốc chính trị quan trọng sắp tới. Bắc Kinh đang phải tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản Evergrande Group chìm trong nợ nần, chuẩn bị tổ chức Thế vận hội, những thách thức từ nguồn cung năng lượng và chỉ số tiêu dùng nội địa giảm.

Ông Hoo Tiang Boon, điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Trường Đại học Công nghệ Nanyang, nói: “Chắc chắn có những cân nhắc trong nước... Họ khiến cả thế giới yên tâm rằng cả hai bên đang trao đổi ở cấp độ cao nhất. Tuy nhiên ở trong nước những điều này cũng sẽ chẳng giúp được gì nếu mối quan hệ với Mỹ đi chệch hướng”. Ông cho rằng cũng có nguy cơ cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến bị hủy bởi việc đó sẽ dễ hơn nhiều so với một cuộc gặp trực tiếp.

Một số người tỏ ra thận trọng trước những quan điểm cho rằng cuộc gặp là một sự chuyển hướng đáng kể. ÔngBonnie Glaser - Giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Marshall Đức - cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc thực chất chỉ đồng ý về cuộc gặp sắp tới để thể hiện vị thế của mình. Bà nói: “Từ quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ đã phản hồi một số đòi hỏi nhất định, chứng tỏ Mỹ cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Mỹ... Mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn sẽ không có lợi cho ông Tập Cận Bình, song tôi chưa thấy Trung Quốc đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào”.

Trong khi đó, ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, nhấn mạnh rằng Chủ tịch Tập Cận Bình cần cân bằng các mối quan hệ địa chính trị với kỳ vọng của dư luận trong nước, và ông Joe Biden cũng đối diện với những đòi hỏi tương tự.

Minh Hải (tổng hợp)

Người dân phấn khởi nhận nhà mới, yên tâm phát triển kinh tế và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Họ cam kết giữ gìn ngôi nhà, tích cực tham gia các phong trào thi đua góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文