Chuyện không phải dễ

09:01 23/09/2023

Một trong những vấn đề “nóng” nhận được nhiều ý kiến bàn thảo tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 78 đang diễn ra tại New York, Mỹ là việc cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để làm cho cơ quan này trở nên “mang tính đại diện, minh bạch và hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây không phải là một chuyện dễ dàng.

Không dễ dàng

Luật sư người Nga Sergey Glandin tới từ Công ty luật Pen & Paper có trụ sở ở Moscow cho biết, theo Điều 108 và 109 của Hiến chương LHQ, việc cải tổ này không dễ dàng. Các sửa đổi cần có sự phê chuẩn của 2/3 trong số hơn 190 quốc gia thành viên LHQ để có hiệu lực. Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov chỉ ra rằng, việc kết nạp thành viên mới sẽ tạo ra một số vấn đề liên quan đến quyền phủ quyết, cũng như làm phức tạp quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và quyền từ chối tư cách thành viên của một số quốc gia nhất định. Ví dụ, Nga và Trung Quốc khó có thể đồng ý để Đức và Nhật Bản vào HĐBA. Ông nói: “Ít nhất 4 thành viên HĐBA nữa, trong đó có Nga và Trung Quốc, cần phê duyệt các đề xuất mở rộng nhưng điều này không dễ dàng như tưởng tượng do tình hình địa chính trị hiện tại”.

Đánh giá về nỗ lực của Mỹ trong cải tổ HĐBA, vị chuyên gia cho hay, Washington muốn ủng hộ sáng kiến nhằm dân chủ hóa HĐBA LHQ và thể hiện sự ủng hộ đối với các quốc gia ở Global South (các quốc gia đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây), chủ yếu là Brazil và Ấn Độ. Về phần mình, Phó Giáo sư tại Khoa Chính trị Thế giới của Đại học Quốc gia Moscow Natalya Piskunova cho rằng, việc chọn một ứng cử viên châu Phi là một trong những ưu tiên chính xung quanh việc mở rộng HĐBA LHQ. Theo bà, kể từ năm 2015, Ai Cập, Nam Phi và Nigeria đã đi đầu về vấn đề này ở châu Phi.

Quang cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Hôm 21/9, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi cải tổ HĐBA LHQ. Phát biểu tại sự kiện cấp cao thường niên của Đại hội đồng LHQ ở New York, bà kêu gọi thành lập một “hội đồng có thể đảm bảo sự phân bổ ghế theo địa lý công bằng hơn và điều đó cũng có thể tăng cường sự đại diện trong khu vực”.

Nhấn mạnh HĐBA hiện tại được thành lập vào một thế kỷ khác, dưới cái bóng của cuộc xung đột đã kết thúc 80 năm trước (Thế chiến II), Thủ tướng Giorgia Meloni cho rằng, một cơ cấu được cải cách sẽ cho phép mọi người có cơ hội thể hiện giá trị của mình. Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 19/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch mở rộng HĐBA. Cụ thể, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các cải cách HĐBA LHQ, vốn hết sức cần thiết trong bối cảnh tình trạng bế tắc đang diễn ra khiến cơ quan này không thể thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của mình. Ông nói thêm rằng, chính quyền Mỹ đã tiến hành tham vấn nghiêm túc với nhiều quốc gia thành viên về việc mở rộng HĐBA, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình để thúc đẩy các nỗ lực cải cách.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, do khó khăn trong việc cải tổ cơ cấu của các cơ quan LHQ, quyền phủ quyết sẽ bị phá vỡ theo cách sau: mỗi khi một quốc gia áp dụng quyền phủ quyết, vấn đề sẽ được đưa ra Đại hội đồng, gồm tất cả 193 quốc gia thành viên, để bỏ phiếu. Quyền phủ quyết sẽ bị bác bỏ bởi 2/3 số phiếu bầu tán thành điều đó. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ukraine còn đề xuất rằng một quốc gia sẽ bị đình chỉ tham gia HĐBA trong một thời gian “khi quốc gia đó có hành động gây hấn chống lại một quốc gia khác, vi phạm Hiến chương LHQ”.

Ngoài các nhà lãnh đạo nêu trên, nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres... cũng đã lên tiếng thúc đẩy cải cách HĐBA.

Cải tổ những gì?

Kể từ khi thành lập năm 1945, HĐBA LHQ chỉ bao gồm 5 thành viên thường trực là Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô (Nga từ năm 1992), Anh và Pháp (Nhóm P5). Các thành viên này có quyền phủ quyết các nghị quyết của HĐBA, mặc dù không được ngăn HĐBA thảo luận về nghị quyết đó. HĐBA cũng bao gồm 10 thành viên không thường trực được bầu 2 năm một lần (Nhóm E10). Xung đột Nga - Ukraine đã khoét sâu những rạn nứt giữa các thành viên có quyền phủ quyết trong HĐBA. Điều này được ghi nhận trong báo cáo năm 2022 của HĐBA khi có tới 276 cuộc họp công khai được triệu tập (nhiều hơn 246 cuộc họp năm 2021) nhưng chỉ thông qua được 7 tuyên bố Chủ tịch HĐBA. Con số này ít hơn rất nhiều so với 24 tuyên bố chủ tịch được thông qua năm 2021.

Với vai trò là cơ quan duy nhất của LHQ được phép sử dụng vũ lực và chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình thế giới, xu hướng leo thang bất đồng nội bộ của HĐBA đã thúc đẩy các nỗ lực vận động cải tổ cơ chế này nhận được sự đồng thuận ngày càng lớn từ dư luận quốc tế.

Trong đó yêu cầu cải tổ khẩn gấp HĐBA từ 73 nhà lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị Cấp cao Đại hội đồng LHQ vào tháng 9-2022 cùng với tuyên bố chung của cả hai khối G4 (gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Đức và Brazil) và khối “Đoàn kết vì Đồng thuận” (UfC) do Italy sáng lập vào tháng 3-2023 là những minh chứng điển hình. Mặc dù duy trì sự khác biệt về quan điểm và có xu hướng đối trọng với nhóm G4, nhưng sự vận động của khối UfC có thời điểm đã thu hút được đến 120 quốc gia quan tâm đến các nội dung cải tổ HĐBA của họ. Đề xuất của Ấn Độ nhằm từ bỏ tạm thời quyền phủ quyết đối với các thành viên thường trực mới trong khuôn khổ HĐBA mở rộng đã mở ra cơ hội dung hòa các quan điểm giữa hai khối G4 và UfC. Sức ảnh hưởng của nhóm UfC cùng với vai trò quan trọng của các thành viên G4 đối với tổ chức LHQ và sự đồng thuận mạnh mẽ của dư luận quốc tế có thể giúp tạo chuyển biến đáng kể cho tiến trình cải tổ HĐBA năm nay.

Có hai nội dung cải tổ triển vọng. Thứ nhất là việc mở rộng các thành viên HĐBA từ 15 lên 25 thành viên. Đây là quan điểm nhận được sự ủng hộ từ cả các thành viên HĐBA thường trực (tiêu biểu là Anh và Pháp) cũng như từ các nhóm vận động mạnh như G4, UfC và Liên hiệp châu Phi (AU). Thứ hai là việc ưu tiên cho thành viên đại diện thường trực từ châu Phi. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong nhóm P5 cũng như từ Đại hội đồng LHQ.

Mặc dù việc thay đổi các khuôn khổ HĐBA được quy định rất nghiêm ngặt trong Hiến chương LHQ, nhưng các thay đổi khi Nghị quyết 1991 được đưa ra vào năm 1965 về nội dung mở rộng quy mô của HĐBA từ 11 lên 15 thành viên bằng cách bổ sung thêm 4 thành viên được bầu đã cho thấy tiền lệ có thể thực hiện được khi đến thời điểm phù hợp. Do đó việc xúc tiến các cuộc đàm phán liên chính phủ về cải cách HĐBA của Đại hội đồng LHQ tuy chưa thể tạo ra những chuyển biến lớn, nhưng có thể xem là nỗ lực quan trọng nhằm góp phần vào chuỗi động thái quyết đoán từ các nhóm vận động mạnh bên ngoài HĐBA. Những bổ sung về cơ chế giải trình khi thành viên nhóm P5 dùng quyền phủ quyết theo nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được áp dụng từ tháng 4-2022 là động thái cho thấy một kịch bản tiềm năng cho quá trình cải tổ HĐBA.

Nhìn chung một khuôn khổ có nền tảng gắn bó với bối cảnh kết thúc Thế chiến II như HĐBA thực sự đã trở nên lỗi thời và cần những điều chỉnh quan trọng để có thể phát huy tối đa năng lực gìn giữ hòa bình và đảm bảo an ninh quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được một phương án cải tổ có sự đồng thuận từ cả các Nhóm P5 (thường trực), E10 (không thường trực) bên trong lẫn các nhóm vận động mạnh như G4, UfC và AU bên ngoài HĐBA thực sự cần nhiều thiện chí cũng như sự nhận thức vượt lên trên lợi ích đơn lẻ mỗi quốc gia. Sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nhóm P5 trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đứt gãy tạo nên suy thoái kinh tế thế giới trên thực tế lại đang góp phần củng cố mạnh mẽ các mối nối ở nhiều tổ chức khu vực quan trọng khác bên ngoài phạm vi LHQ.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文