Cơ sở cho hòa bình ở Ukraine

06:17 02/08/2023

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các đề xuất do các quốc gia châu Phi và Trung Quốc đưa ra có thể là cơ sở cho hòa bình trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Ông nhấn mạnh, Nga ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình nhưng điều này cần phải có sự đồng ý của cả hai bên, trong khi Moscow không thể ngừng bắn khi bị Kiev tấn công.

Cơ sở của một số quy trình nhằm tìm kiếm hòa bình

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi diễn ra hồi tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin và nguyên thủ một số quốc gia châu Phi đã thảo luận về Sáng kiến hòa bình châu Phi nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine do 7 quốc gia thuộc lục địa này cùng đưa ra hồi tháng 6 mặc dù chi tiết chưa được công khai.

Xung đột ở Ukraine kéo dài thì hậu quả thảm khốc sẽ ngày càng tăng lên.

Các đề xuất nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao, đảm bảo chủ quyền của từng quốc gia, xây dựng và mở rộng các đảm bảo an ninh, sắp xếp cho việc vận chuyển ngũ cốc và xuất khẩu phân bón quan trọng, trao đổi tù nhân và tiến hành tái thiết sau xung đột.

Bên cạnh đó, các điều khoản trong sáng kiến nêu trên được cho là gồm việc Nga rút quân, loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, đình chỉ lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Tổng thống Vladimir Putin và dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moscow. Người đứng đầu Điện Kremlin đánh giá: “Sáng kiến này có thể là cơ sở của một số quy trình nhằm tìm kiếm hòa bình, giống như các quy trình khác, chẳng hạn như sáng kiến của Trung Quốc”.

Bắc Kinh trước đó cũng đã đưa ra sáng kiến hòa bình gồm 12 điểm kêu gọi ngừng bắn. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, một trong những điểm của sáng kiến này là lệnh ngừng bắn, nhưng nói thêm: “Quân đội Ukraine đang tấn công, họ đang thực hiện một chiến dịch tấn công chiến lược quy mô lớn. Chúng tôi không thể ngừng bắn khi đang bị tấn công”. Về vấn đề bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không từ chối họ. Để quá trình này bắt đầu, cần phải có sự đồng ý của cả hai bên”.

Đánh giá về Sáng kiến hòa bình châu Phi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow (Đại học HSE) Andrey Maslov cho rằng, về triển vọng thực hiện sáng kiến này, đó chỉ là vấn đề thời gian.

Ông lưu ý: “Tuyên bố ngừng bắn là điểm mấu chốt trong kế hoạch của châu Phi và chính Ukraine chưa sẵn sàng chấp nhận điều kiện tiên quyết như vậy. Tuy nhiên, một khi khả năng phản công của Ukraine cạn kiệt, kế hoạch này sẽ được xem xét bởi vì các nước châu Phi sẽ là những nhà hòa giải thích hợp vì họ không phải là thành viên của NATO cũng như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”. Vi chuyên gia nhấn mạnh: “Châu Phi trung lập nhưng cũng rất quan tâm đến việc chấm dứt xung đột và sẽ không dễ dàng tìm được các quốc gia khác có các tiêu chuẩn như vậy”.

Trong khi đó, ông Vadim Zaytsev, nhà nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại của Nga ở châu Phi bình luận trên trang web của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế rằng: “Điều quan trọng cần nhớ là châu Phi là một trong những khối bỏ phiếu khu vực lớn nhất tại Liên hợp quốc (LHQ). Họ sẽ đóng một vai trò trong tiến trình hòa bình cuối cùng ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Phi - cả cá nhân và tập thể - cũng có thể là nhà trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev”.

Về phần mình, ông Alexander Beltser, Phó Giáo sư tại Đại học Korolev Samara, nhấn mạnh rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi một lần nữa chứng minh rằng Moscow “không hề bị cô lập trên thế giới”, mà ngược lại, Nga đang tìm cách “tuyên bố mình là một cường quốc có lợi ích ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả khu vực hứa hẹn nhiều tiềm năng như châu Phi”.

Hậu quả khôn lường

Trong khi các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về cuộc tấn công hoặc phản công mới nhất ở Ukraine, mọi người thường không đánh giá đúng những hậu quả kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột có thể tồi tệ đến mức nào. Nga là nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới và cung cấp khoảng 50% nhu cầu của EU trước xung đột. Trong khi đó, Ukraine cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn và sự gián đoạn hoàn toàn của một trong hai kênh này sẽ dẫn đến thảm họa.

Thực tế là điều này đã không xảy ra vào năm ngoái phần lớn là nhờ vào hai thỏa thuận quan trọng được bảo đảm ngay từ đầu cuộc xung đột: Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, theo đó Moscow cho phép Kiev tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen (do nước này kiểm soát) và một thỏa thuận cho phép khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang châu Âu qua Ukraine. Nhưng thỏa thuận đầu tiên vừa bị đình chỉ và thỏa thuận sau có thể sớm bị chấm dứt. Hậu quả thực sự của cuộc xung đột này có vẻ như sắp tăng lên rất nhiều.

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc không phải là bất ngờ. Và có thể đoán trước, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của Moscow, rằng Nga “tiếp tục vũ khí hóa lương thực” hay Moscow đang “sử dụng nạn đói làm vũ khí”...

Tuy nhiên, những lời chỉ trích mạnh mẽ như vậy của phương Tây che đậy một bức tranh nhiều sắc thái hơn. Như Tổ chức Oxfam đã tuyên bố, dựa trên dữ liệu từ Trung tâm điều phối chung của LHQ, chưa đến 3% ngũ cốc từ Sáng kiến Biển Đen được chuyển đến các nước nghèo nhất thế giới. Ngược lại, khoảng 80% ngũ cốc đã được chuyển đến các nước giàu hơn, chủ yếu là các nước EU.

Việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen khiến phương Tây cũng sẽ phải trả giá. Khi thỏa thuận bị tạm dừng, số lượng ngũ cốc Ukraine thậm chí còn lớn hơn sẽ được vận chuyển bằng đường bộ qua châu Âu thông qua cái gọi là “các tuyến đường đoàn kết” do EU thiết lập. Nhưng các vấn đề đã nảy sinh trước khi sáng kiến này rơi vào bế tắc, khi ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, phần lớn được xuất khẩu bởi các công ty vỏ bọc tránh thuế, tràn ngập thị trường địa phương, nơi họ hạ giá sản phẩm địa phương và khiến nông dân tức giận.

Hiện tại, triển vọng của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng. Nga để ngỏ khả năng khôi phục nó, nói rằng Moscow sẽ tuân thủ “ngay khi phần của Nga (trong thỏa thuận) được hoàn thành”. Tuy nhiên, việc Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc quan trọng ở khu vực Odesa cho thấy việc nối lại thỏa thuận dường như khó có thể sớm xảy ra. Và có vẻ như câu chuyện cản trở tương tự dường như đang diễn ra với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga.

Bất chấp xung đột, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy qua Ukraine vào châu Âu - làm dịu đi ý định tách khỏi năng lượng từ Nga của EU, đồng thời cho phép Ukraine thu về khoản tiền mặt rất cần thiết dưới hình thức phí quá cảnh. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết, Kiev khó có thể gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt khi hợp đồng cung cấp của Ukraine với Gazprom hết hạn vào năm 2024.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文