COVID-19 tại Mỹ sắp "vượt mặt" đại dịch cúm cách đây một thế kỷ
Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện đã tương đương con số do đại dịch Cúm Tây Ban Nha hồi những năm 1918-19 gây ra, khoảng 675.000 người, AP đưa tin.
Quy mô dân số của Mỹ cách đây một thế kỷ chỉ bằng một phần ba hiện nay, đồng nghĩa với việc đại dịch cúm “chết chóc hơn” so với COVID-19. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn là một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng với những hậu quả nặng nề, bất chấp những tiến bộ về khoa học trong thời đại hiện nay cũng như việc không thể tận dụng được nguồn vaccine dồi dào, điều mà cách đây 100 năm không hề có.
Giống như đại dịch cúm, COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Các nhà khoa học hy vọng rằng nó có thể sẽ trở thành một loại cúm mùa bình thường khi hệ miễn dịch của con người được tăng cường thông qua tiêm chủng và tái nhiễm. Tuy nhiên, điều này cần thời gian.
Trong khi các ca nhiễm do biến thể Delta có thể đã đạt đỉnh, số ca tử vong tại Mỹ đã vượt qua mức trung bình 1.900 ca mỗi ngày, mức cao nhất từ tháng 3. Tổng số ca tử vong tại nước này đã lên đến 675.000, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, mặc dù có ý kiến quan ngại rằng con số thực tế còn có thể cao hơn.
Mùa đông sắp tới có thể là điều kiện để đại dịch tiếp tục bùng lên, theo dự báo của Đại học Washington, sẽ có thêm khoảng 100.000 người Mỹ thiệt mạng vì COVID-19 cho đến ngày 1/1/2022, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 776.000.
Đại dịch cúm năm 1918-19 đã giết chết 50 triệu người trên toàn cầu vào thời điểm mà dân số thế giới chỉ bằng một phần tư hiện nay. Số ca tử vong toàn cầu do COVID-19 hiện là hơn 4,6 triệu.
Số người chết vì đại dịch cúm 1918-19 tại Mỹ được ước tính là hơn 675.000, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Hiện nay, chưa đến 64% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine, tỷ lệ tại mỗi tiểu bang cũng khác nhau, từ mức cao khoảng 77% ở Vermont và Massachusetts đến mức thấp khoảng 46% đến 49% ở Idaho, Wyoming, Tây Virginia và Mississippi.
Trên phạm vi toàn cầu, khoảng 43% dân số đã được tiêm ít nhất một liều, theo “Our World in Data”, một số quốc gia châu Phi chỉ mới bắt đầu tiêm mũi đầu tiên.