Đằng sau bức ảnh nổi tiếng bậc nhất trong vụ 11/9

08:14 10/09/2021

Stan Honda, cựu phóng viên ảnh của hãng tin AFP, vẫn còn nhớ như in cảnh tượng kinh hoàng cũng như quá trình chụp được bức ảnh nổi tiếng trong ngày 11/9/2001.

Bức ảnh "Người phụ nữ ám bụi" nổi tiếng của Stan Honda. Ảnh Getty Images/Stan Honda. 

Phóng viên ảnh kỳ cựu Stan Honda đã có cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Jazeera, trong đó ông kể lại quá trình tác nghiệp trong sự kiện 11/9. 

"Trong suốt sự nghiệp phóng viên ảnh của mình, tôi hiếm khi tìm hiểu thông tin những người trong các bức ảnh chụp được. Khi chụp ảnh cho những sự kiện bình thường, các phóng viên có thể hỏi danh tính và các thông tin khác của chủ thể để sử dụng cho phần mô tả trong tin bài", ông Honda cho biết. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào các phóng viên ảnh cũng có thể nán lại và nói chuyện với chủ thể để biết thêm thông tin, khi họ phải nhanh chóng chụp ảnh và gửi ảnh về tòa soạn. Việc tìm hiểu thêm thông tin của chủ thể là điều không thể và quá nguy hiểm đối với các phóng viên ảnh khi họ tác nghiệp trong những sự kiện như vụ tấn công 11/9.

"Vào ngày xảy ra các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, tôi đã chụp ảnh một người phụ nữ toàn thân phủ đầy bụi sau khi một trong hai tòa tháp đổ sập", ông Honda kể lại.

Bức ảnh này sau đó đã trở thành một trong những tấm hình biểu tượng nhất về sự kiện 11/9, được đặt tên là "Người phụ nữ ám bụi" (The Dust Lady). 

"Đó là khung hình duy nhất tôi chụp cô ấy trong khi những người khác cố gắng tránh khỏi đám mây bụi và mảnh vỡ rơi xuống khi tòa tháp đầu tiên bị tấn công. Cô ấy đang mặc một bộ trang phục công sở, lớp bụi dày đã che đi màu quần áo và đôi giày của cô ấy, chiếc vòng cổ vẫn phản chiếu lại ánh sáng trong tòa nhà. Đôi tay của cô ấy vươn ra như thể đang ra hiệu về phía tôi", ông Honda cho biết.

Nhiếp ảnh gia kỳ cựu Stan Honda. Ảnh Stan Honda. 

Tông màu chủ đạo của bức ảnh là vàng, và điều này hoàn toàn ngẫu nhiên. "Tôi đã thiết lập chế độ chụp ảnh để thu được nhiều ảnh sáng mặt trời và ánh sáng nhân tạo trong nhà đã phủ lên bức ảnh một màu vàng nhạt. Sau đó, trong khi vội vàng gửi file ảnh về tòa soạn, tôi không chỉnh sửa thêm gì với màu sắc của ảnh và lúc tôi nhìn lại bức ảnh được in ra, màu sắc của bức ảnh dường như truyền tải được cảm giác về sự tàn phá, sợ hãi và diệt vong", nhiếp ảnh gia kỳ cựu gợi nhớ lại.

"Khoảnh khắc sau khi chụp bức ảnh, tôi thấy cô ấy được những người khác đỡ lên một cầu thang, có lẽ là một vị trí an toàn hơn. Lúc đó tôi thoáng nghĩ rằng mình có thể sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy. Thế nhưng, tôi không khỏi thắc mắc cô ấy là ai trong những tuần sau khi vụ tấn công xảy ra", ông Honda nói thêm. 

Đầu tháng 3/2002, ông Honda được thông báo rằng tòa soạn đã tìm ra được người phụ nữ trong bức ảnh. Tên của cô ấy là Marcy Borders, gia đình của cô đã trông thấy bức ảnh, được đăng tải trên hàng loạt tờ báo, tạp chí cũng như trang web trên toàn thế giới, và sau đó đã liên hệ với tòa soạn để xác nhận danh tính.

Vui mừng vì thắc mắc bấy lâu được giải đáp, ông Honda nóng lòng muốn gặp người phụ nữ trong bức ảnh ở ngoài đời thực. Người đứng đầu văn phòng của AFP ở New York thời điểm đó đã sắp xếp cuộc gặp của ông Honda và cô Borders vào ngày 8/3/2002.

"Tôi không tin được rằng mình có thể gặp lại người mà tôi đã chụp ảnh vào ngày định mệnh đó, tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì cô ấy vẫn ổn", ông Honda cho biết. "Có quá nhiều thương vong và tàn phá trong ngày 11/9, quả thực, được nghe câu chuyện của một người may mắn sống sót là một điều rất nhẹ nhõm".

Cô Borders, nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng. 

Cô Borders từng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống trước khi làm việc tại Ngân hàng Mỹ (Bank of America), có trụ sở trong một tòa tháp bị tấn công. Cô làm việc tại một tầng cao của tòa nhà và cố gắng thoát thân trước khi tòa tháp hoàn toàn sụp đổ.

“Chúng tôi chăm chú lắng nghe, cố gắng tiếp thu tất cả. Tôi đã chụp một vài bức ảnh trong căn hộ của cô ấy...Vụ tấn công dường như ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của Borders, cô ấy sợ nghe tiếng máy bay, thậm chí là sợ các tòa nhà cao tầng đến nỗi phải thề rằng sẽ không bao giờ ghé qua khu vực Hạ Manhattan nữa”, ông Honda kể lại. Marcy Borders qua đời năm 2015 vì bệnh ung thư.

Nhiếp ảnh gia này cho biết ông đã chụp hàng trăm bức ảnh trong ngày 11/9, nhưng tấm hình của Borders là một trong những bức được các tờ báo và tạp chí lựa chọn xuất hiện đặc biệt mỗi dịp tưởng niệm vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ.

Duy Tiến

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

Ngày 26/5, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) đã tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh với sự tham gia của hàng ngàn thí sinh đến từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là gần 7.000. Trường mở 6 mã ngành/chương trình mới, là những ngành có nhu cầu nhân lực xã hội rất cao.

Theo Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các đường dây vận chuyển ma túy từ các nước về Việt Nam được phát hiện, bắt giữ gần đây tiếp tục cho thấy TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn mà tội phạm lợi dụng để trung chuyển, vận chuyển đi các nước, các địa phương…

Các cường quốc đang trong cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tác chiến và viễn cảnh con người để máy móc ra các quyết định khai hỏa vũ khí có thể không còn xa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文