Đề xuất áp mức trần giá khí đốt của EU vấp phải nhiều phản đối

08:06 26/11/2022

Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã mâu thuẫn trong nhiều tháng về triển vọng hạn chế giá khí đốt tự nhiên. Một đề xuất mới của Ủy ban châu Âu được cho là sẽ thu hẹp khoảng cách đã không mang lại kết quả mong muốn.

EU ngày 24/11 (giờ địa phương) đã khởi động cuộc đàm phán căng thẳng giữa các bộ trưởng năng lượng, vốn bị chi phối bởi vấn đề gây chia rẽ về việc áp đặt giá trần khí đốt tự nhiên để bảo vệ người dân và doanh nghiệp trước hóa đơn năng lượng tăng cao. Cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng EU tại Brussels đã cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau đề xuất giới hạn giá do Ủy ban châu Âu đưa ra vì các tiêu chí quá cao đến mức nó có thể không bao giờ được kích hoạt. Các nước khác, vốn hoài nghi về việc đưa ra bất kỳ mức giá trần nào, đã cảnh báo về rủi ro đối với sự ổn định của nguồn cung.

Cụ thể, tại cuộc họp, nhiều Bộ trưởng Năng lượng EU đã chỉ trích đề xuất mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thiết lập mức trần giá khí đốt trên toàn EU, gọi nó là không phù hợp, không thực tế. “Nó hoàn toàn không thể thi hành, không hiệu quả và nằm ngoài phạm vi. Đó là một trò đùa tồi tệ”, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera nói, trong khi Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cũng cho rằng đề xuất này là “một trò đùa” và không làm hài lòng bất kỳ quốc gia nào.

EU vẫn bất đồng sâu sắc về việc áp giá trần khí đốt. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Malta, Miriam Dalli, cho biết kế hoạch được thiết kế bởi EC là “không phù hợp với mục đích” và “chắc chắn không linh động về bản chất”. Bà Dalli nói với các phóng viên: “Các điều kiện đồng thời đang được áp đặt khiến cho việc kích hoạt cơ chế khắc phục này là không thể hoặc gần như không có khả năng kích hoạt được”.

Về phần mình, phe do Đức và Hà Lan dẫn đầu, cảnh báo rằng ngay cả một mức giới hạn giá yếu cũng có thể khiến những người bán khí đốt rời xa EU hoặc ngăn cản việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây hại cho khí hậu. Hà Lan, quốc gia kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp can thiệp giá nào, cho biết công cụ này là “thiếu sót” và có khả năng “gây hại” cho an ninh nguồn cung và ổn định tài chính của EU. Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Hà Lan Rob Jetten nêu rõ: “Có rất nhiều rủi ro gây tổn hại đến an ninh nguồn cung năng lượng cũng như sự ổn định của thị trường tài chính”. Những bất đồng gay gắt trên về mức giá trần đã trì hoãn việc phê duyệt hai quy định khẩn cấp riêng biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn đã đạt được sự đồng thuận.

Cộng hòa Czech, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, dự định tổ chức một cuộc thảo luận xung quanh mức trần giá và xúc tiến với hai quy định riêng biệt: Một về việc mua chung khí đốt và thứ hai về các quy tắc cấp phép nhanh hơn cho các công nghệ tái tạo. Tuy nhiên, một nhóm gồm 15 quốc gia ủng hộ giới hạn giá vốn không hài lòng sâu sắc với dự thảo của Ủy ban châu Âu đã thúc đẩy liên kết áp mức trần giá với hai gói còn lại để đảm bảo những sửa đổi có lợi cho họ.

Theo các nhà ngoại giao EU, Luxembourg, Austria, Phần Lan, Đan Mạch, Ireland, Estonia và Hà Lan phản đối ý tưởng này, nhưng Cộng hòa Czech đã chấp nhận thỏa hiệp và sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường mới vào giữa tháng 12 tới để “bật đèn xanh” cho những quy định về năng lượng trên.

Giá khí đốt và điện đã tăng vọt ở hầu hết các nước thuộc EU trong năm qua. Theo Hội đồng châu Âu, giá khí đốt trong khối đã tăng hơn 150% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022. Tất cả những điều này là một gánh nặng lớn đối với ngành công nghiệp và các hộ gia đình ở châu Âu và phần lớn EU hiện đang chuẩn bị cho suy thoái trong những tháng tới.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/11, với 416 phiếu thuận, 124 phiếu chống và 33 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết, kêu gọi Hội đồng và EC tiếp tục thực hiện các biện pháp có điều kiện theo quy định được đề xuất để đình chỉ các quỹ của EU cho Hungary. EP lưu ý rằng 17 biện pháp mà Hungary đưa ra nhằm thực hiện những cải cách là “không đủ để giải quyết rủi ro hệ thống hiện tại đối với lợi ích tài chính của EU”, ngay cả khi được thực hiện đầy đủ.

EP kêu gọi các quốc gia thành viên EU áp dụng các biện pháp được đề xuất theo quy định về điều kiện để bảo vệ ngân sách EU trước những vi phạm bị cáo buộc đối với các nguyên tắc pháp quyền ở Hungary và chỉ dỡ bỏ chúng sau khi các biện pháp khắc phục của Budapest đã có tác dụng bền vững. EP kêu gọi EU “không nhượng bộ” trước áp lực từ Hungary bằng cách ngăn chặn các quyết định quan trọng của khối, chẳng hạn như viện trợ tài chính vĩ mô 18 tỷ euro cho Ukraine và thỏa thuận về thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Các thành viên của chính phủ Hungary đã nói rõ rằng họ từ chối những đề xuất này.

Cơ sở của nghị quyết trên là vào tháng 9/2022, EC đã đề xuất đóng băng 7,5 tỷ euro quỹ EU dành cho Hungary, với lý do cáo buộc tham nhũng và lo ngại về mua sắm công, sau khi kích hoạt cơ chế pháp quyền có điều kiện chống lại Hungary vào tháng 4 năm nay. Kể từ đó, Hungary đã đưa ra 17 biện pháp khắc phục, chẳng hạn như thành lập lực lượng chống tham nhũng và thay đổi các quy tắc mua sắm công, để giải quyết các mối lo ngại. Hội đồng châu Âu ra thời hạn đến ngày 19/12 để đưa ra quyết định, theo đa số đủ tiêu chuẩn, dựa trên đề xuất của EC.

Trước đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 23/11 đã đưa ra một quyết định lịch sử để đối đầu với Chính phủ Hungary do Thủ tướng Viktor Orbán lãnh đạo bằng cách đóng băng khoản ngân sách lên tới 13,3 tỷ euro.

EC cho rằng Chính phủ Hungary đã không thực hiện một loạt cam kết tự đặt ra để giải quyết nạn tham nhũng trước hạn chót là ngày 19/11 năm nay. Do đó, Brussels sẽ giữ các khoản thanh toán theo quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 (lên tới khoảng 5,8 tỷ euro) chừng nào Budapest không thực hiện các cam kết này, đồng thời cho biết thêm rằng cùng với đó, EC đã quyết định sẽ đề nghị đóng băng 7,5 tỷ euro từ ngân sách thông thường của EU.

PV (tổng hợp)

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文