Điểm lại những vụ giẫm đạp đẫm máu nhất trong hai thập kỷ qua

12:23 02/10/2022

Ngày 1/10, một vụ giẫm đạp gây thương vong lớn đã xảy ra sau trận đấu bóng đá ở Indonesia. Trong hai thập kỷ qua, hàng chục nghìn người cũng mất mạng trong nhiều vụ giẫm đạp trên khắp thế giới. 

Vụ bạo lực gây thương vong lớn sau trận đấu bóng đá tại Indonesia. Ảnh AP. 

Ít nhất 129 người thiệt mạng sau khi bạo loạn nổ ra, dẫn tới giẫm đạp tại trận đấu giữa đội bóng Arema và Persebaya Surabaya bóng đá ở tỉnh Đông Java, Indonesia tối 1/10. Cảnh sát cho biết, bạo lực bùng phát trên sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang khi trận đấu kết thúc với tỷ số 2 - 3 nghiêng về đội khách.

Hỗn loạn xảy ra sau đó khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và khoảng 180 người bị thương phải nhập viện. Nguyên nhân dẫn tới thương vong lớn được cho là do mọi người giẫm đạp lên nhau khi cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông. Hơn 10 phương tiện đã bị đốt cháy trong khuôn viên sân vận động, trong đó có nhiều xe cảnh sát.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu nhà chức trách đánh giá kỹ lưỡng lại an ninh tại các trận bóng đá sau sự cố. Ông cũng đề nghị Hiệp hội Bóng đá dừng các trận đấu ở giải Liga 1 cho đến khi cuộc điều tra kết thúc, kêu gọi đặt dấu chấm hết cho những “thảm kịch bóng đá”.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia Ahmad Hadian Lukita thông báo, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành để tìm ra những người chịu trách nhiệm cho thảm kịch.

Hàng triệu người hành hương về Mecca mỗi năm, nhiều vụ việc thương tâm cũng xảy ra trong quá trình này. Ảnh minh họa AP. 

Tháng 9/2015, một vụ giẫm đạp đẫm máu xảy ra tại Arab Saudi. Theo tính toán của hãng tin AP, khoảng 2.400 người hành hương đến Mecca đã thiệt mạng, gấp 3 lần con số được chính quyền địa phương đưa ra.

Đây được coi là vụ giẫm đạp gây thương vong lớn nhất trong lịch sử các cuộc hành hương thường niên của người Hồi giáo. Trước vụ việc này chỉ ít tuần, một vụ sập cầu khác đã xảy ra và gây thương vong ở Mecca.

Arab Saudi đã tiến hành cuộc điều tra về vụ việc nhưng rất ít kết quả được công bố. Con số được chính quyền đưa ra là gần 770 người thiệt mạng, không thay đổi từ 26/9/2015.

Cuộc hành hương thường niên đến Mecca năm 2015 thu hút gần 2 triệu tín đồ Hồi giáo. Iran là nước chịu thiệt hại nặng nhất về người trong vụ việc này, với hơn 460 người chết, tiếp đến là Mali với 305 người, Nigeria 274 người và Ai Cập là hơn 190 người.

Trước đó, năm 1990, một vụ giẫm đạp khác tại khu vực này cũng khiến ít nhất 1.400 người thiệt mạng. Tháng 2/2004, ít nhất 244 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại Mecca, năm 2006 cũng ghi nhận một vụ việc tương tự khiến 345 người chết.

Thi thể nằm xen kẽ với những người bị thương sau vụ việc tại Mecca năm 2015. Ảnh AP. 

Năm 2010, một vụ xô đẩy đám đông và giẫm đạp đã xảy ra tại Đảo Kim Cương, Phnom Penh, Campuchia. Một lễ hội được tổ chức tối 22/11/2010, ngày cuối cùng của lễ hội té nước, ước tính thu hút hàng triệu người tại đất nước này.

Nhiều người sống sót sau vụ việc vẫn không thể quên khoảnh khắc bị cuốn vào thảm họa khi người người giẫm đạp lên nhau trong tuyệt vọng để thoát khỏi tình huống mà giới chức Campuchia cho biết đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 345 người, trong đó có 240 phụ nữ.

Theo Guardian, sau khi các thi thể và những người bị thương được đưa khỏi hiện trường, hàng trăm đôi giày, dép bị bỏ lại như một lời nhắc nhở nghiệt ngã về sự hỗn loạn đã biến một trong những sự kiện vui vẻ nhất trong lịch sử Campuchia thành thảm kịch đẫm máu.

Ngày 30/9/2008, một vụ giẫm đạp đẫm máu xảy ra ở một ngôi đền Hindu, thị trấn Jodhpur, Ấn Độ. Vụ việc xảy ra khi 12.000 người đang tụ tập tại địa điểm này để tổ chức một lễ hội Hindu, theo cảnh sát Jodhpur.

Ít nhất 168 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp và 100 người khác bị thương.

Theo cảnh sát, vụ hỗn loạn bắt đầu khi có thông tin giả rằng có bom tại ngôi đền. Nhiều người hoảng sợ do vào thời điểm lúc bấy giờ, Ấn Độ chứng kiến nhiều vụ đánh bom mà gần đó nhất là vụ việc tại thành phố Malegaon, khiến 7 người chết và 82 người bị thương.

950 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại Baghdad, Iraq, ngày 31/8/2005. Vụ việc xảy ra khi rất đông người hành hương đang đi qua một cây cầu ở phía bắc Baghdad, một người nào đó tung tin có bom và đám đông hoảng loạn chạy thoát thân.

Giới chức địa phương cho biết, phần lớn những người thiệt mạng do bị giẫm đạp, ngạt thở hoặc bị chết đuối sau khi rơi xuống dòng sông Tigris. Đây được coi là thảm họa cướp đi nhiều sinh mệnh nhất trong một ngày tại Iraq trong hơn hai thập kỷ trở về đây.

Các bệnh viện địa phương thời điểm đó bị quá tải, thi thể người thiệt mạng nằm đầy trên sàn, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.  

Duy Tiến

Trong khi ngành xây dựng lâm vào cảnh khan hiếm cát đá, đất san lấp mặt bằng khiến nhiều công trình đầu tư công bị đình trệ, ảnh hưởng tới tiến độ, giá cả vật liệu tăng vọt thì cả trăm nghìn mét khối cát sỏi từ việc nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện lại "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua, gây lãng phí không hề nhỏ. Nghịch lý trên đang xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng.

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, tổ chức tại Bogota, Colombia, vào đầu tháng 11/2024, đã thu hút sự tham gia của hơn 130 quốc gia và 80 bộ trưởng. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, tạo cơ hội thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Càng về cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và trộm cắp tài sản trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) càng diễn biến phức tạp và tăng mạnh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文