EU cắt mọi khoản viện trợ Niger, Mỹ cảnh báo làm điều tương tự
Liên minh châu Âu (EU) mới đây ra thông báo về việc cắt hoàn toàn viện trợ cho Niger - đối tác quan trọng của khối trong việc giúp kiềm chế người di cư trái phép từ khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi, đồng thời là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Hôm 29/7, EU thông báo ngừng mọi hợp tác an ninh, hỗ trợ tài chính cho Niger và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ra tuyên bố: "Bên cạnh việc ngừng ngay lập tức viện trợ tài chính, mọi hợp tác trong lĩnh vực an ninh sẽ dừng lại ngay lập tức và vô thời hạn".
Tuyên bố của EU được đưa ra sau vụ một nhóm binh sĩ phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.
Tướng Abdourahamane Tchiani - vốn là chỉ huy Lực lượng Cận vệ của Tổng thống Niger, đã được chỉ định là người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp sau cuộc đảo chính. Tuy vậy, các đồng minh của Niger cho đến nay từ chối công nhận chính phủ quân sự mới.
Được biết, Niger là nước nhận viện trợ chính từ phương Tây và là đối tác chính của EU trong ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. EU có một lượng nhỏ quân đội làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger. Khối đã chi 554 triệu USD từ ngân sách để viện trợ cải thiện quản lý, giáo dục và tăng trưởng bền vững cho Niger giai đoạn 2021-2024.
Ngoài tuyên bố cắt viện trợ từ EU, riêng Pháp thông báo đình chỉ tất cả viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách đối với nước này, yêu cầu đưa ông Bazoum trở lại nắm quyền. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết: "Sự hỗ trợ rất đáng kể mà chúng tôi dành cho người dân ở Niger rõ ràng đang gặp nguy hiểm". Mỹ có 2 căn cứ quân sự ở Niger với khoảng 1.100 binh sĩ, đồng thời cung cấp hàng trăm triệu USD cho quốc gia này để hỗ trợ an ninh và phát triển.
Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh tiền tệ Tây Phi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Nigeria vào hôm nay (30/7), để thảo luận về tình hình và có thể quyết định thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính với Niger. Trước đó, sau cuộc họp khẩn cấp hôm 28/7, Liên minh châu Phi đã ra tuyên bố yêu cầu quân đội trở về doanh trại và khôi phục trật tự hiến pháp trong vòng 15 ngày.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với khoảng 25 triệu dân và 2/3 diện tích là sa mạc và thường xuyên xếp cuối bảng Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc, một tiêu chuẩn về sự thịnh vượng. Mỗi năm, nước này nhận được gần 2 tỉ USD (47,4 nghìn tỉ đồng) hỗ trợ phát triển chính thức.
Trước khi xảy ra binh biến, Niger phải vật lộn với hai chiến dịch thánh chiến - một ở phía Tây Nam, tràn vào từ Mali hồi năm 2015, và chiến dịch còn lại ở phía Đông Nam, liên quan đến lực lượng thánh chiến từ Đông Bắc Nigeria.