EU nhất trí "thắt lưng buộc bụng" vì Nga siết vòi khí đốt
Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/7 nhất trí thông qua kế hoạch khẩn cấp tự nguyện cắt giảm nhu cầu khí đốt, trong một nỗ lực nhằm giảm tác động từ nguồn cung của Nga.
Châu Âu đang phải đối mặt với sự gia tăng siết chặt nguồn cung khí đốt sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm 25/7 cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức xuống còn 1/5 công suất.
Với hàng chục quốc gia EU đang phải đối mặt với việc nguồn cung từ Nga giảm, Brussels đang kêu gọi các nước thành viên tiết kiệm khí đốt và dự trữ cho mùa đông vì lo ngại Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn dòng chảy để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Reuters cho biết, các Bộ trưởng Năng lượng EU đã thông qua một kế hoạch khẩn cấp, theo đó tất cả các nước EU tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau.
"Mục đích của việc cắt giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, khi Moscow tiếp tục sử dụng năng lượng như một loại vũ khí", hội đồng các bộ trưởng EU cho biết.
Trước đó, ngày 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một quy định mới về việc phối hợp giảm sử dụng khí đốt trong toàn khối để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Nga và ngăn chặn sự tăng vọt của giá cả.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ là minh chứng cho thấy tình đoàn kết của châu Âu trong bối cảnh Moscow siết nguồn cung. "Nước Nga sẽ không thể chia rẽ chúng tôi", ông Habeck nói.
Mục tiêu cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình mỗi nước nhờ hàng loạt điều khoản miễn trừ, tính toán mức dự trữ năng lượng cũng như quốc gia đó có đường ống dẫn khí hay không.
Tuy nhiên, Claude Turmes, Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg, cho biết Hungary là thành viên duy nhất phản đối kế hoạch này. Một số quốc gia như Italy, Ba Lan, Hungary, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha trước đó cũng đã lên tiếng phản đối việc cắt giảm sử dụng khí đốt.
Trên thực tế, mặc dù các chính phủ bao gồm Đức, nước sử dụng khí đốt lớn nhất châu Âu, đã tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng lượng sử dụng khí đốt của các nước EU chỉ giảm 5%. Vì thế, Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan bày tỏ:“15% có lẽ sẽ không đủ so với những gì Nga vừa tuyên bố".