EU quá tải bởi các cuộc xung đột

08:02 01/11/2023

Việc quản lý cả hai cuộc xung đột Nga – Ukraine và Israel - Hamas sẽ là một nỗ lực khó khăn đối với châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải phân chia nguồn lực tài chính và sự chú ý giữa Kiev và Gaza. Bên cạnh đó là căng thẳng giữa Kosovo và Serbia, cũng như giữa Armenia và Azerbaijan. Điều này dường như đang khiến EU quá tải.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 26 và 27/10 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã khẳng định chắc nịch rằng, họ có thể xử lý đồng thời cả cuộc chiến ở Ukraine và ở Trung Đông cùng một lúc. Nhưng tuyên bố trên dường như chỉ là trên lý thuyết. Những gì đang diễn ra cho thấy, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang ngày càng đẩy Ukraine ra khỏi tâm điểm chính trị.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas càng đẩy Ukraine ra khỏi tâm điểm chính trị.

Bất chấp tham vọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm biến EU thành một nhân tố “địa chính trị” trên trường quốc tế, hai cuộc xung đột đang thử thách giới hạn chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lập trường đối với Israel.

Ngay cả câu hỏi tưởng chừng như đơn giản về kêu gọi tạm dừng xung đột để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza cũng đã gây ra tranh cãi ngoại giao phức tạp. Trong khi một số nước thành viên EU ủng hộ việc ngừng bắn vì nhân đạo, Đức và các quốc gia khác vẫn tỏ ra dè dặt trước lời kêu gọi đình chiến, vốn có thể được coi là đi ngược lại “quyền đáp trả” của Israel nhằm vào Hamas.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đầu năm 2022 là bước ngoặt lịch sử đối với chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Cú sốc của cuộc khủng hoảng này ở châu Âu đã dẫn đến tình đoàn kết chưa từng có với Ukraine. Nhưng, mặc dù cuộc xung đột ở Trung Đông có những hậu quả sâu rộng tương tự, các nước EU vẫn chưa thể hiện sự thống nhất như trước, khi nhiều nhà lãnh đạo EU lo ngại sự chia rẽ chính trị giữa các phe ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine, cũng như những hậu quả khác do các cuộc tấn công bạo lực và biểu tình trên đường phố lan rộng ở châu Âu. Điều này cho thấy, cuộc khủng hoảng này đang chi phối tâm trí của các nhà lãnh đạo EU. Và các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Pháp và Bỉ càng làm tăng thêm cảm giác lo ngại đó. Bạo lực gia tăng càng gây tâm lý bất an trước cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 năm sau.

Chuyên gia Luigi Scazzieri thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu cho rằng, việc quản lý cả hai cuộc xung đột sẽ là một nỗ lực khó khăn đối với châu Âu: “EU sẽ phải phân chia nguồn lực tài chính và sự chú ý giữa Ukraine và Gaza. Do đó, vấn đề Ukraine sẽ bị lu mờ dần và EU khó có khả năng hỗ trợ kinh tế và quân sự lớn cho Kiev trong tương lai”.

Dường như lo ngại về sự phân tâm trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông, Ukraine đang tăng cường kêu gọi không chỉ viện trợ và vũ khí mà còn kêu gọi các nước phương Tây tăng mạnh đầu tư vào thiết bị quân sự, đặc biệt là đạn dược và phòng không. Trong khi đó, những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine ở EU là Ba Lan và các nước vùng Baltic đang cảnh báo các đối tác Tây Âu không nên “lãng quên” cuộc xung đột đang diễn ra ở phía Đông của EU.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nhấn mạnh: “Khi nói đến các ưu tiên, chắc chắn Ukraine nên là ưu tiên hàng đầu, đó là cuộc xung đột chính, nó nằm ở sát biên giới của chúng ta”. Không chỉ riêng Litva, một số quốc gia EU khác cũng cảnh báo rằng, Brussels không thể chuyển hướng chú ý “khỏi cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và ngay cạnh biên giới vài thành viên của họ”.

Tuy nhiên, cách xử lý của EU đối với cuộc xung đột Israel – Hamas đã phần nào làm suy yếu các thỏa thuận của EU với Ukraine. Ngoài ra, ảnh hưởng của Brussels ở thế giới Hồi giáo đang suy giảm nhanh chóng vì những gì được coi là lập trường “quá thân thiện” với Israel của EC. Đó là những điều chứng tỏ rằng khối này đang quá tải vì các cuộc khủng hoảng.

“Quan điểm về tiêu chuẩn kép của EU sẽ ngày càng được khẳng định khi số lượng dân thường thiệt mạng ở Gaza tăng lên. Điều đó sẽ khiến việc đạt được sự đồng thuận cho Ukraine trên các diễn đàn quốc tế trở nên khó khăn hơn”, Chuyên gia Scazzieri Luigi nêu quan điểm.

EU cũng làm thất bại các tham vọng chính sách đối ngoại thông qua phản ứng và bất đồng về cách xử lý cuộc chiến Israel - Hamas. Nhà phân tích James Moran thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nói: “Cách xử lý ban đầu của EU không hề hữu ích chút nào, đặc biệt là những tranh cãi và bất đồng quan điểm chung về lời kêu gọi tạm dừng giao tranh để cung cấp viện trợ nhân đạo. Những điều đó không giúp ích gì cho hình ảnh của EU, đó là điều chắc chắn”.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi tuần trước, ngay cả ngôn từ chính xác về việc tiếp cận viện trợ nhân đạo cho người Palestine trong kết luận của hội nghị cũng là một cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước EU vì tính nhạy cảm lịch sử liên quan đến cuộc xung đột. Trong khi Tây Ban Nha và các nước khác ủng hộ từ “ngừng bắn”, thì các quốc gia khác, trong đó có Đức, đã bác bỏ điều đó và ủng hộ từ ngữ nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như “tạm dừng giao tranh vì nhân đạo”. Một nhà ngoại giao EU kết luận: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng cuộc xung đột Israel - Palestine là vấn đề gây chia rẽ nhất trên thế giới - kể cả trong EU”.

Khổng Hà (tổng hợp)

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文