EU sẽ không dỡ trừng phạt nếu thỏa thuận Nga-Ukraine do Moscow soạn
Thủ tướng Đức khẳng định EU sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine nếu Moscow và Kiev kí hiệp ước hòa bình theo các điều khoản của Nga.
TASS hôm nay (18/7) dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong bài viết trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagzeitung nêu rõ, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine nếu Moscow và Kiev kí hiệp ước hòa bình theo các điều khoản của Nga.
"Có một thực tế mới là EU đã được củng cố. EU đã phản ứng với hành động của Nga một cách đồng lòng và áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng thấy", ông Scholz nêu quan điểm. "Chúng tôi đã ý thức từ đầu là các biện pháp đó cần được kéo dài".
Theo lời Thủ tướng Đức, "không có lựa chọn nào khác cho một thỏa thuận hòa bình của Nga với Ukraine, ngoài một thỏa thuận mà người Ukraine có thể chấp thuận".
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine trong chừng nào nước này còn yêu cầu: kinh tế, nhân đạo, tài chính và vận chuyển vũ khí. Đồng thời, chúng tôi đảm bảo rằng NATO sẽ không trở thành một bên của cuộc chiến", ông Scholz khẳng định.
Từ khi khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã vạch rất rõ các mục tiêu mà Kiev cần đáp ứng, bao gồm Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập các liên minh quân sự, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donbass.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky ban đầu ngỏ ý sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu của Nga, song sau đó rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình; khẳng định họ chỉ tham gia các cuộc đàm phán chừng nào Moscow gặp thất bại về mặt quân sự.
Bất chấp sự trợ giúp khổng lồ về quân sự từ phương Tây, Ukraine đang gặp nhiều khó khăn và thiệt hại trên chiến trường. Họ đã mất các tỉnh Kherson, phần lớn tỉnh Zaporizhzhia ở phía Nam, tỉnh Lugansk ở Donbass và đang bị lực lượng Nga đẩy lùi tại tỉnh Donetsk.
Đức muốn loại bỏ quyền phủ quyết của các thành viên EU
Vẫn trong bài viết trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagzeitung, ông Scholz cũng tin rằng cần loại bỏ cơ chế quyền phủ quyết của các quốc gia thành viên EU để loại trừ các quyết định "ích kỉ" phục vụ lợi ích của chỉ một quốc gia đó.
"Phản ứng quan trọng nhất của châu Âu đối với sự thay đổi của thời đại là: Sự đoàn kết. Chúng ta nhất thiết phải duy trì nó và chúng ta phải làm sâu sắc nó hơn nữa", ông nói.
Theo quy chế EU, mọi quyết định của khối chỉ có hiệu lực khi tất cả 27 thành viên thông qua. Trong bối cảnh chiến sự Ukraine, EU đã ban bố 6 vòng trừng phạt nhắm vào Nga, nhưng chúng được thông qua khá vất vả do một số thành viên lo ngại tác hại từ các biện pháp cấm vận đó.