Hamas bác khả năng nối lại đàm phán với Israel
Phong trào vũ trang Hamas của người Palestine loại trừ khả năng quay lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel, trong bối cảnh các cuộc tấn công của Tel Aviv tại Dải Gaza liên tục leo thang.
Hãng tin Al-Mayadeen hôm nay (26/5) dẫn nguồn tin từ phong trào vũ trang Hamas của người Palestine ở Dải Gaza phủ nhận thông tin họ đã quay lại các cuộc đàm phán với Israel, đồng thời cáo buộc Tel Aviv "không nghiêm túc trong nỗ lực đạt thỏa thuận" chấm dứt xung đột.
Israel và Hamas đã tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp từ sau khi xung đột nổ ra hồi tháng 10/2023, nhưng đến nay chỉ đạt một lệnh ngừng bắn hạn chế hồi tháng 11/2023, mà theo đó, Hamas đã thả hơn 100 phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài để đổi lấy 240 người Palestine bị Israel giam giữ.
Theo Reuters, vòng đàm phán mới nhất giữa các bên đã kết thúc hồi đầu tháng 5/2024 mà không đạt kết quả nào khi Israel đưa quân vào thành phố Rafah. Trong khi Israel chỉ sẵn sàng ngừng tấn công Hamas tạm thời để đổi lấy các con tin, Hamas trông đợi vào một thỏa thuận đình chiến kéo dài.
Tuyên bố mới nhất của Hamas được đưa ra ngay sau thời điểm Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà đàm phán Israel nối lại thảo luận về vấn đề trao trả con tin vẫn bị giam giữ ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, Hamas đánh giá, các động thái đó của Israel chỉ nhằm "che đậy" các hoạt động quân sự quyết liệt nhắm vào người Palestine ở Dải Gaza, Al-Mayadeen đưa tin.
Truyền thông khu vực trước đó tiết lộ, Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã có cuộc gặp tại Pháp để bàn bạc về nỗ lực tái khởi động đàm phán.
Số liệu của nhà chức trách Israel thống kê, hiện còn hơn 130 trong tổng số 240 con tin Israel bị bắt trong cuộc đột kích của Hamas tháng 10/2023 đang bị giữ ở Dải Gaza. Người dân Israel đang ngày càng gia tăng áp lực để chính phủ Israel phải đạt thỏa thuận để giải cứu họ.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cũng rất trông đợi vào việc Israel và Hamas có thể ngừng bắn để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Sau hơn 7 tháng giao tranh, hơn 35.000 người ở Dải Gaza đã thiệt mạng vì giao tranh, trong khi hàng trăm ngàn người khác mất nhà cửa.
Ngày 24/5, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp cao nhất của Liên hợp quốc, công bố phán quyết yêu cầu Israel lập tức chấm dứt chiến dịch tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza, nhưng Tel Aviv đã chỉ trích phán quyết và chưa dừng các hoạt động quân sự tại đó.