Hệ lụy toàn cầu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine
Giống như năng lượng, xung đột Nga-Ukraine đã giáng một “đòn chí mạng” vào an ninh lương thực của thế giới.
“Cú sốc” năng lượng
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo tháng 11/2022 đã đánh giá rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một “cú sốc năng lượng lớn và mang tính lịch sử” đối với thị trường. “Cú sốc” đó là một trong những yếu tố chính khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 giảm xuống còn 3,1%. Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, các dự báo ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ vào khoảng 5%. Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 9, OECD dự báo GDP toàn cầu 2023 sẽ ở mức 3%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả “dưới trung bình”, đánh dấu mức tăng trưởng hằng năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, OECD hạ dự báo tăng trưởng giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,7%.
“Cú sốc” năng lượng do khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra đã làm thay đổi dòng chảy năng lượng toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, từ thời Liên Xô cho đến thời điểm xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Nga và phần lớn châu Âu ràng buộc với nhau trong một “cuộc hôn nhân hydrocarbon” vì lợi ích. Nga cần thị trường năng lượng ổn định để xuất khẩu dầu khí, châu Âu muốn nguồn năng lượng được cung cấp trực tiếp qua các đường ống dẫn, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông - một thị trường không ổn định với nguồn cung được vận chuyển bằng tàu biển. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, thị trường châu Âu từng là khách hàng lớn nhất của Nga: Năm 2022, trước cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, 60% lượng dầu mỏ và 74% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga là sang châu Âu.
Với sự phụ thuộc lớn như vậy, việc châu Âu dần từ bỏ khí đốt của Nga sẽ không dễ dàng. Một số giải pháp thay thế trước mắt sẽ phải trả giá bằng các mục tiêu giảm phát thải, vì một số nước châu Âu đã tăng cường sản xuất điện than. Tuy nhiên, năm ngoái châu Âu đã chứng kiến mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên giảm hơn 20%, do các doanh nghiệp và hộ gia đình buộc phải tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung.
Nhưng, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang nhanh chóng lấp đầy sự thiếu hụt đó. Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2023, dù vậy nước này không có đủ nguồn cung dư thừa để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của châu Âu, ngay cả sau khi Mỹ đã chuyển một phần xuất khẩu từ châu Á sang thị trường châu Âu. 68% xuất khẩu LNG của Mỹ hiện đang hướng tới các nước Liên minh châu Âu (EU). Con số đó có thể sẽ còn tăng lên.
Về lâu dài, châu Âu sẽ giảm đáng kể nhu cầu khí đốt của Nga. Châu Âu dường như cũng đã quyết tâm không bao giờ rơi vào tình thế phải phụ thuộc vào nguồn hydrocarbon giá rẻ của Nga nữa. Mặc dù Nga sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu năng lượng, một số nhà quan sát tin rằng trong vài năm tới, vị thế siêu cường năng lượng của nước này sẽ giảm sút. Nga sẽ tiếp tục chuyển hoạt động xuất khẩu từ châu Âu sang các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng với mức giá thấp hơn.
An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa
Giống như năng lượng, xung đột Nga-Ukraine đã giáng một “đòn chí mạng” vào an ninh lương thực của thế giới.
Cả Nga và Ukraine đều thuộc nhóm những cường quốc nông nghiệp quan trọng nhất. Năm 2021, cả hai đều nằm trong số 3 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa mỳ, lúa mạch, ngô, hạt cải và dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới: Xuất khẩu phân đạm, kali và phân hỗn hợp của nước này lần lượt chiếm 13%, 16% và 15% thị trường toàn cầu vào năm 2019. Việc nguồn cung cấp ngũ cốc và phân bón tập trung cao vào hai quốc gia này khiến nhiều nước bị tổn thương trước tình trạng mất an ninh lương thực trong cuộc xung đột.
Tình hình càng đáng lo ngại hơn kể từ khi Moscow rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2023. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc hiện đang thảo luận với Moscow để khôi phục thỏa thuận nhằm cho phép các tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua Biển Đen mà không gặp trở ngại. Tuy nhiên, tình hình không có vẻ lạc quan khi Nga nhiều lần khẳng định nước này sẽ không khôi phục thỏa thuận khi quyền lợi chưa được bảo đảm.
Châu Phi - đặc biệt là Đông Phi - là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhiều thập kỷ xung đột và biến đổi khí hậu, theo thời gian, đã khiến Đông Phi trở nên dễ bị tổn thương và phụ thuộc một cách nguy hiểm vào các loại ngũ cốc quan trọng - với khoảng 80% lượng ngũ cốc nhập khẩu của Đông Phi là từ Nga và Ukraine.
Ở Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá lúa mì và nhiên liệu tăng vọt. Người tị nạn Syria nằm trong số những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nhiều người không có thu nhập để trang trải cho chi phí sinh hoạt vốn đã gia tăng đáng kể.
Ở Trung Mỹ, giá lương thực thiết yếu như ngô trắng cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm. Cùng với biến đổi khí hậu và tình trạng mất an ninh đang diễn ra, gần 13 triệu người trên toàn khu vực phải đối mặt với nạn đói ngày càng tăng.
“Bức màn sắt” mới
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực năng lượng và lượng thực, xung đột Nga-Ukraine còn gây ra những hệ lụy về mặt chính trị, tạo ra một “bức màn sắt” vô hình mới. Tracey German, giáo sư về xung đột và an ninh tại King’s College London, cho rằng cuộc xung đột đã làm xuất hiện sự chia rẽ giữa một bên là “trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo” và bên kia là nước Nga giận dữ và siêu cường đang trỗi dậy Trung Quốc.
Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng này đã giúp hồi sinh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Liên minh quân sự này - vốn được lập ra nhằm chống lại Liên Xô - đã có ý thức mới về mục đích và kết nạp thêm 2 thành viên mới đầy tham vọng là Phần Lan và Thụy Điển. Hai quốc gia này đã từ bỏ quan điểm không liên kết trong nhiều thập kỷ và xin nhập NATO để được bảo vệ trước điều mà họ cho là mối đe dọa từ Nga. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đã phần nào giúp gác lại những tranh cãi về Brexit trong EU, làm tan băng mối quan hệ ngoại giao khó xử giữa khối và cựu thành viên Anh.
Tuy nhiên, đã có một số vết nứt trong mặt trận thống nhất của phương Tây. Thủ tướng Hungary Viktor Orban - đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Putin ở EU - đã vận động chống lại các lệnh trừng phạt đối với Moscow, từ chối gửi vũ khí tới Ukraine và từ chối gói viện trợ của khối cho Kiev. Sự thống nhất của phương Tây sẽ ngày càng chịu nhiều áp lực hơn khi xung đột càng kéo dài.
Ở phía bên kia “bức màn sắt”, Moscow cũng đang củng cố liên minh của mình. Nga đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh vẫn giữ khoảng cách với cuộc xung đột và cho đến nay vẫn chưa gửi vũ khí cho Moscow. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại rằng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Trung Quốc hiện đang theo dõi chặt chẽ một cuộc xung đột để rút ra những bài học cho riêng mình về cách thức phản ứng của Mỹ và phương Tây trước những tình huống tương tự.
Ngoài Trung Quốc, Nga cũng đang tăng cường liên kết với CHDCND Triều Tiên và Iran. Từ năm 2022, Kiev và các đồng minh phương Tây liên tục cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine - điều mà Tehran bác bỏ. Về phần CNDCND Triều Tiên, chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi giữa tháng 9 được coi là bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển quan hệ giữa hai nước. Cho dù Moscow tăng cường hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng và Tehran, điều đó không hẳn sẽ làm thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine, nhưng đây sẽ là động thái đào sâu sự chia rẽ trong môi trường địa chính trị toàn cầu hiện nay, một kiểu tái diễn Chiến tranh Lạnh với một trục là phương Tây và trục kia gồm các nước chịu nhiều trừng phạt như CHDCND Triều Tiên, Nga, Iran...
Khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ diễn biến ra sao trong những tháng tới - và thậm chí nhiều năm tới - là điều không ai biết chắc. Bất chấp thương vong nặng nề, không bên nào tỏ ra sẵn sàng lùi bước. Cuộc khủng hoảng này không phải là một cuộc khủng hoảng có tính tách biệt, những tác động lan tỏa của nó có thể được cảm nhận trên toàn cầu. Do đó, chấm dứt xung đột này phải được coi là ưu tiên hàng đầu hiện nay của các nhà lãnh đạo thế giới. Những câu hỏi khó và nhạy cảm về mặt chính trị trong cuộc xung đột này không thể bị bỏ qua.