Hứng chịu tổn thất tồi tệ nhất, Israel vẫn đối diện thế cô lập ngoại giao
Quân đội Israel hôm 13/12 (giờ địa phương) tuyên bố ghi nhận tổn thất tồi tệ nhất kể từ khi giao tranh với phong trào Hamas nổ ra hồi cuối tháng 10, trong khi quốc gia này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ cô lập ngoại giao.
Theo Reuters, giao tranh dữ dội giữa phong trào Hamas và quân đội Israel vẫn đang diễn ra ở cả phía Bắc và phía Nam Dải Gaza, một ngày sau khi Liên Hợp Quốc yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết quân đội vẫn sẽ đẩy mạnh tấn công bất chấp áp lực về một lệnh ngừng bắn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng, cho đến khi chiến thắng, cho đến khi Hamas bị tiêu diệt. Tôi nói điều này trước nỗi đau lớn cũng như trước áp lực quốc tế. Không gì có thể ngăn cản chúng tôi".
Tuy nhiên, quân đội Israel ngày 13/12 cho biết trong 24 giờ qua, 10 binh sĩ của họ thiệt mạng, bao gồm một đại tá chỉ huy một căn cứ tiền phương và một trung tá chỉ huy một trung đoàn. Đó là mất mát tồi tệ nhất về người trong một ngày kể từ khi 15 binh sĩ Israel thiệt mạng vào ngày 31/10.
Theo đài phát thanh quân đội, hầu hết số binh sĩ thiệt mạng khi tham gia giao tranh ở quận Shejaia của thành phố Gaza, nơi quân đội Israel bị phục kích khi cố gắng giải cứu một nhóm binh sĩ khác đang truy lùng các tay súng Hamas trong một tòa nhà.
Tuy nhiên, trong một bài phát biểu trên truyền hình cùng ngày, thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh cho biết bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai ở Gaza mà không có phong trào Hamas đều là "ảo tưởng".
Trong khi đó, ở phía Bắc, giao tranh ác liệt đã diễn ra ở quận Jabaliya. Các quan chức y tế Gaza cho biết lực lượng Israel đã bao vây và xông vào một bệnh viện, đồng thời giam giữ các nhân viên y tế. Ở phía Nam, lực lượng Israel đã tấn công và tiến vào trung tâm thành phố Khan Younis.
Những diễn biến giao tranh giữa Israel và Hamas diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một sự kiện gây quỹ chiến dịch ở Washington đã thừa nhận Israel đang bắt đầu mất đi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế bởi các vụ đánh bom diễn ra "bừa bãi".
Reuters cũng trích dẫn hai nguồn thạo tin cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trì hoãn việc bán hơn 20.000 khẩu súng trường do Mỹ sản xuất cho Israel vì lo ngại về các cuộc tấn công ngày càng tăng của Israel nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây.
Trong một tuyên bố chung, các đồng minh của Mỹ là Canada, Australia và New Zealand cho biết: "Cái giá của việc đánh bại Hamas không thể là nỗi đau khổ liên tục của tất cả thường dân Palestine”.
Cơ quan y tế Dải Gaza hôm 13/12 thông tin rằng ít nhất 18.608 người đã thiệt mạng và 50.594 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Hàng nghìn người khác có thể vẫn đang mất tích trong đống đổ nát hoặc ngoài khả năng tiếp cận của lực lượng cứu hộ.
Các cơ quan quốc tế cũng cho biết thêm, dòng viện trợ tới Gaza chỉ được giới hạn phân phối ở các khu vực của Rafah gần biên giới Ai Cập. Ngay cả ở đó, tình hình cũng đã trở nên tồi tệ hơn nhiều trong tuần này, với hàng trăm nghìn người phải trú ẩn dưới những tấm bạt mỏng.