Indonesia tuyên bố làn sóng COVID-19 mới "đã đạt đỉnh"
Bộ trưởng Y tế Indonesia ngày 2/8 tuyên bố, làn sóng COVID-19 mới, vốn đang biến quốc gia này trở thành tâm chấn của đợt bùng phát kéo dài nhiều tuần qua tại châu Á, đã đạt đỉnh.
Sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 mới Delta có khả năng truyền nhiễm cao đã khiến Indonesia trong một tháng qua phải đối mặt với sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca COVID-19, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, đồng thời ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng lên mức kỷ lục.
Reuters đưa tin, sau nhiều tuần chống dịch bền bỉ, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 2/8 trong một cuộc họp báo trực tuyến tuyên bố: "Chúng ta có thể thấy rằng đỉnh dịch đã đi qua, đặc biệt là ở các khu vực ở Java. Những tiến triển đang bắt đầu xuất hiện".
Ông Budi Gunadi Sadikin khẳng định, kịch bản tồi tệ nhất về số ca mắc COVID-19 đã không xảy ra tại quốc gia này. Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy giường tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 cũng đã sụt giảm.
Sự lây lan của biến thể Delta, được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ, đã bùng phát mạnh mẽ ở Indonesia. Ngày 15/7, nước này ghi nhận tới 56.757 trường hợp mắc COVID-19 mới, con số cao nhất tại Indonesia từ trước đến nay. Số ca tử vong COVID-19 cũng đạt mức kỷ lục hôm 27/7 với 2.069 trường hợp.
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, số ca COVID-19 mới theo ngày đã giảm, với trung bình 33.800 ca mỗi ngày vào tuần trước, song tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 vẫn ở mức cao, cùng những lo ngại rằng biến thể Delta vẫn có thể tàn phá các khu vực ngoài Java, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, nơi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không được trang bị đầy đủ.
Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết chính phủ cần phải rút kinh nghiệm và làm việc khẩn trương hơn để đảm bảo ngăn chặn đủ sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao ý thức hơn nữa để phòng ngừa dịch bệnh.
Indonesia đã ghi nhận hơn 3,4 triệu trường hợp mắc COVID-19 và 95.000 trường hợp tử vong, mặc dù các chuyên gia y tế công cộng cho rằng con số thực có thể cao hơn nhiều lần.
Nước này cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu năm 2021, nhưng các mục tiêu đầy tham vọng hiện đang bị chậm tiến độ do những hạn chế về hậu cần, nguồn cung và phân phối các loại vaccine ngừa COVID-19. Tính đến 2/8, dưới 10% dân số nước này đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine.