Israel và trách nhiệm pháp lý sau cuộc đột kích giải cứu con tin
Ít nhất 274 người đã thiệt mạng và hơn 600 người khác bị thương khi lực lượng Israel thực hiện cuộc đột kích nhằm vào trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza hôm 8/6, để giải cứu 4 con tin vốn bị giam giữ ở Gaza trong hơn 8 tháng qua. Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá cả, Quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine có thể đã phạm tội ác chiến tranh sau vụ việc này.
Hệ lụy từ cuộc đột kích
Ông Jeremy Laurence, người phát ngôn của Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk, cho biết, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ “vô cùng sốc” trước tác động từ cuộc đột kích của Israel đối với người dân thường. Ông nhấn mạnh, cách thức tiến hành cuộc đột kích ở khu vực đông dân cư như vậy đặt ra câu hỏi nghiêm túc rằng liệu các nguyên tắc phân biệt, cân đối và phòng ngừa - như được quy định trong luật chiến tranh - có được lực lượng Israel tôn trọng hay không.
Ông nhấn mạnh “Văn phòng cũng vô cùng đau buồn khi các nhóm vũ trang Palestine vẫn giữ nhiều con tin, hầu hết là dân thường, điều này bị luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm. Hơn nữa, việc các nhóm vũ trang giữ con tin ở những khu vực đông dân cư như vậy, đang khiến mạng sống của người dân thường dân Palestine, cũng như chính các con tin, gặp thêm nguy cơ từ các hành động thù địch”.
Trong khi đó, phong trào Hamas gọi hoạt động của Israel là “tàn bạo” vì đã khiến quá nhiều người thương vong. Còn đối với thường dân Palestine đang trú ẩn sau cuộc chiến kéo dài 8 tháng ở Gaza, đây lại là một ngày của các cuộc không kích, chết chóc và tang tóc. Người dân ở Nuseirat mô tả, đây là một trong những ngày tồi tệ nhất của cuộc chiến, nói rằng, họ không biết chuyện gì đang xảy ra khi bom, đạn trút xuống như mưa. Một số người cũng lên tiếng phản đối việc Hamas bắt giữ con tin trong các tòa nhà dân cư, gây nguy hiểm cho toàn bộ khu vực.
Cuộc giải cứu trên là khoảnh khắc vui mừng hiếm hoi ở Israel giữa cuộc khủng hoảng quốc gia sâu sắc. Tại Tel Aviv, nhiều người reo hò trong khi một số người dẫn chương trình truyền hình đã bật khóc khi thông báo tin này.
Hoạt động trên của Israel được chuẩn bị trong nhiều tháng. Kể từ ngày 7/10 năm ngoái, các đơn vị tình báo Israel, với sự giúp đỡ từ các đối tác Mỹ, đã nghiên cứu các manh mối thông qua công nghệ kỹ thuật số, cảnh quay của máy bay không người lái và các hoạt động khác để xác định vị trí con tin. Gần đây, họ đã xác định Nuseirat là địa điểm giam giữ 4 con tin từ một cuộc khiêu vũ trên sa mạc ngay bên ngoài hàng rào biên giới với Gaza. Kế hoạch bắt đầu được triển khai tuyệt đối bí mật. Đến ngày 6/6, các lực lượng liên quan bắt đầu triển khai kế hoạch.
Theo một quan chức Israel giấu tên cho biết, do các chi tiết nhạy cảm, một cuộc họp của Nội các An ninh đã bị hủy bỏ để ngăn chặn rò rỉ thông tin. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ gặp một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo an ninh cấp cao vào đêm đó để thông qua kế hoạch. Vào lúc 11h25 ngày 8/6, Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi đã phát lệnh thực hiện chiến dịch giải cứu con tin từ trung tâm chỉ huy của cơ quan an ninh Shin Bet.
Các quan chức IDF cho biết, hàng nghìn nhân viên đã tham gia vào hoạt động này. Đơn vị tác chiến đặc biệt mất khoảng 25 phút lái xe từ Israel tới Nuseirat. Các nhân chứng người Palestine mô tả một số binh sĩ đến địa điểm giải cứu trên hai phương tiện được ngụy trang bí mật, một trong số đó giống với xe tải được Israel sử dụng để chở hàng hóa thương mại vào Gaza. Phương tiện còn lại là một chiếc xe Mercedes màu trắng, chất đầy đồ đạc và thiết bị khác, một cảnh tượng thường thấy ở một khu trại, nơi có hàng nghìn gia đình phải di dời.
Câu hỏi về trách nhiệm pháp lý
Tờ Washington Post cho rằng, số người thương vong quá lớn trong vụ giải cứu con tin ngày 8/6 này một lần nữa dấy lên mạnh mẽ câu hỏi về việc liệu Israel có thể hiện đủ trách nhiệm bảo vệ dân thường trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza hay không.
Cơ quan Y tế Gaza cho biết, không rõ có bao nhiêu người thiệt mạng là chiến binh hoặc bao nhiêu người bị hỏa lực của Israel giết chết, nhưng trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, cũng như các thường dân gần đây phải sơ tán đến do cuộc tấn công quân sự của Israel ở TP Rafah ở miền Nam Gaza. Các nhân chứng cho biết họ bị sốc trước quy mô và cường độ cuộc tấn công của Israel, ngay cả khi chiến tranh đã kéo dài 8 tháng, với quá nhiều máu đổ và sự hủy diệt.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Peter Lerner nhấn mạnh: “Tất cả thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến này là hậu quả của cách Hamas hoạt động”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về luật quốc tế, chiến thuật hoạt động ẩn núp trong dân thường của Hamas cũng không loại trừ Israel khỏi trách nhiệm pháp lý, vốn yêu cầu quân đội phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để ngăn chặn tổn hại dân sự. Nguyên tắc cân xứng cấm quân đội gây thương vong cho dân thường quá mức so với lợi thế quân sự trực tiếp được dự đoán tại thời điểm tấn công.
Adil Haque, giáo sư luật tại Trường Luật Rutgers (Mỹ), cho biết: “Việc đối thủ của bạn vi phạm luật nhân đạo quốc tế không làm thay đổi nghĩa vụ của bạn. Tổn hại có thể dự báo trước đối với dân thường là không tương xứng với mục đích chính đáng là giải cứu bốn con tin”. Trong khi đó, ông Michael Sfard, luật sư Israel chuyên về luật nhân đạo quốc tế, cho biết: “Con số thương vong đủ để đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng hỏa lực có bừa bãi hay không. Chúng ta cần biết chính xác chuyện gì đã xảy ra”.
Đó là một câu hỏi khó có thể được trả lời cho đến sau chiến tranh, nếu có, khi các nhà điều tra tiếp cận được Gaza. Nhưng Israel hiện đang chịu áp lực pháp lý ngày càng tăng về hành vi của mình ở Gaza. Tháng trước, trưởng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế tuyên bố ông đang xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Ông Benjamin Netanyahu gọi quyết định này là “sự phản bội công lý”, tuyên bố điều đó sẽ không ngăn cản Israel “tiến hành cuộc chiến chính nghĩa chống lại Hamas”.