Khẩn trương tìm cách đối phó với biến thể SARS-CoV-2 “siêu đột biến”
Biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện với rất nhiều đột biến đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định triệu tập phiên họp khẩn cấp để đánh giá tình hình và thảo luận cách thức đối phó với mối nguy mới này.
Biến thể “tồi tệ nhất”
Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật chương trình ứng phó khẩn cấp COVID-19 của WHO thông báo các chuyên gia của tổ chức này đã nhóm họp trong ngày 26/11 để thảo luận về biến thể mới, có tên gọi B.1.1.529, đã được phát hiện tại Nam Phi, Botswana và Hong Kong (Trung Quốc). Nhóm cố vấn kĩ thuật của WHO chuyên về virus đột biến hiện đang thảo luận với các đồng nghiệp tại Nam Phi.
Theo bà Van Kerkhove, mục đích của phiên họp khẩn lần này không phải là cảnh báo gây hoảng loạn. Đơn giản, đây chỉ là quy trình hệ thống, WHO tập hợp các nhà khoa học để cùng thảo luận nhằm xác định chính xác điều gì thực sự đang diễn ra. Quan chức này cũng cho biết hiện còn ít thông tin về biến chủng mới này. Mới chỉ có chưa đầy 100 mẫu giải trình gien để các nhà khoa học xem xét, đánh giá. Nhưng đã có thể khẳng định rằng biến thể mới có rất nhiều đột biến, làm dấy lên những lo ngại về tác động trong khâu chẩn đoán, điều trị và tiêm phòng vaccine. Sẽ phải mất vài tuần mới có thể tìm hiểu và làm rõ được tác động của biến thể B.1.1.529.
Giới khoa học gọi B.1.1.529 là biến thể tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống SARS-CoV-2. Các đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc bệnh và tốc độ lây lan của virus cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. Các nhà khoa học lo ngại, do số lượng đột biến rất cao, có thể giúp biến thể này tránh được khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, hiện tại họ chưa có đủ dữ liệu để so sánh mức độ nguy hiểm của biến thể B.1.1.529 với các biến thể khác.
Giáo sư Christina Pagel, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng tại Đại học Hoàng gia London, cho biết, B.1.1.529 “có những lợi thế đáng kể so với biến thể Delta”, tiềm tàng khả năng né tránh hệ miễn dịch và lây truyền cao. “Chúng tôi biết rằng B.1.1.529 có nhiều đột biến hơn các biến thể khác và có các đột biến được thấy ở các biến thể khác có liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn và khả năng né tránh hệ miễn dịch. Đó là số lượng đột biến và loại đột biến khiến các nhà virus học và miễn dịch học lo lắng”, bà nói thêm.
Các biện pháp hạn chế mới
Tối 25/11, Cơ quan Y tế Hong Kong (Trung Quốc) đã xác nhận 2 bệnh nhân nhập cảnh mắc biến chủng nói trên qua phân tích trình tự gen. Trong số 2 bệnh nhân này, ca đầu tiên là một người đàn ông 36 tuổi, quốc tịch Ấn Độ đến Hong Kong (Trung Quốc) từ Nam Phi hôm 11/11. Người này cách ly tại khách sạn Regal Airport và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 13/11.
Một người đàn ông khác 62 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đến từ Canada ở phòng chếch đối diện với bệnh nhân trên cũng cho xét nghiệm dương tính 5 ngày sau đó, tức ngày 18/11. Sau khi phát hiện hai trường hợp trên, giới chức địa phương đã đưa toàn bộ khách trong 12 phòng khác cùng tầng đến trung tâm kiểm dịch cách ly thêm 14 ngày. Tạm thời chưa có ca nhiễm mới nào liên quan được ghi nhận.
Cũng tại châu Á, Bộ Y tế Singapore ngày 26/11 đã quyết định siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 7 quốc gia châu Phi. Theo đó, bắt đầu từ 11h59 ngày 27/11, tất cả du khách có lịch sử đến các quốc gia Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe sẽ không được nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore. Quy định này cũng áp dụng đối với cả những người đã được cấp phép nhập cảnh Singapore từ các quốc gia khác nhưng có lịch sử tới các quốc gia trên. Các công dân và thường trú nhân Singapore về nước từ các quốc gia trên sẽ phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở cách ly chỉ định. Nhật Bản cùng ngày cũng đã quyết định siết chặt kiểm soát biên giới đối với các trường hợp nhập cảnh đến từ Nam Phi và 5 nước châu Phi khác sau khi phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại châu lục này.
Trong khi đó, từ ngày 26/11, Anh đã đưa Nam Phi và 5 nước châu Phi khác vào “danh sách đỏ” về hoạt động đi lại sau khi Cơ quan An ninh Y tế nước này (UKHSA) bày tỏ quan ngại về biến thể B.1.1.529. Lệnh cấm cũng sẽ bao gồm các chuyến bay từ Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe. Tất cả công dân Anh trở về từ những quốc gia trên sẽ phải cách ly và xét nghiệm PCR. Những người trở về từ miền Nam châu Phi trong thời gian gần đây cũng sẽ phải theo dõi sức khỏe và xét nghiệm SARS-CoV-2 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Israel cũng thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền Nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” liên quan đến dịch COVID-19, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini.
Theo đó, những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel. “Danh sách đỏ” về hạn chế đi lại của Anh vẫn trống kể từ khi 7 quốc gia cuối cùng, trong đó có Peru, Colombia và Panama, được xóa khỏi danh sách này vào ngày 1/11. Nam Phi đã ra khỏi danh sách này vào ngày 11/10, nghĩa là những du khách đã tiêm chủng có thể tới Anh mà không cần phải cách ly.
Nhiều người lo ngại rằng, khi chỉ còn một tháng nữa là đến Giáng sinh, sẽ có nhiều biện pháp hạn chế được áp dụng nếu biến thể mới lây lan nhanh chóng. Các chuyên gia y tế kêu gọi mọi người hãy đi tiêm chủng để tự bảo vệ bản thân trước sự xuất hiện của biến thể mới. Những người dân Anh từ 40 tuổi trở lên và đã tiêm đủ 2 liều vaccine cách đây ít nhất 6 tháng hiện đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường.