Khi sứ mệnh gìn giữ hòa bình trở thành mồi lửa

07:24 12/03/2025

Nga vừa phát đi một cảnh báo cứng rắn đối với Australia khi nước này cân nhắc tham gia một liên minh gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các quốc gia phương Tây đang gia tăng hỗ trợ quân sự cho Kiev. Điều này đặt ra câu hỏi liệu đây chỉ là một lời cảnh báo ngoại giao, hay có nguy cơ đẩy căng thẳng lên một cấp độ mới?

Trong tuyên bố gửi tới báo chí Australia hôm 10/3 (giờ địa phương), Đại sứ quán Nga tại Australia khẳng định: “Nga đã nhiều lần lên tiếng về việc không chấp nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine. Vì vậy, ý tưởng quân đội phương Tây tham gia dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình sẽ làm suy yếu các nỗ lực hòa bình”.

Moscow cảnh báo rằng, nếu Canberra tham gia cái gọi là “liên minh tự nguyện”, Canberra sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”. Tuyên bố này nhấn mạnh: “Nga không chấp nhận lực lượng phương Tây xuất hiện tại Ukraine và Nga sẽ không chỉ là người quan sát thụ động”.

Tuy nhiên, Moscow cũng nói rõ rằng, “không có ý định làm tổn hại đến người dân Australia” và chính phủ nước này “có thể dễ dàng tránh được rắc rối bằng cách kiềm chế hành động trong khu vực quân sự đặc biệt”.

Trước lời cảnh báo của Nga, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã lên tiếng khẳng định nước này “tự hào với truyền thống ủng hộ hòa bình”, bao gồm việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, hiện “sứ mệnh này chưa tồn tại ở Ukraine” và Australia chỉ đang xem xét nếu có yêu cầu chính thức.

Khi sứ mệnh gìn giữ hòa bình trở thành mồi lửa -0
Vũ khí Nga khai hỏa về phía lực lượng Ukraine. Ảnh: Sputnik

Hiện các quốc gia châu Âu và Khối thịnh vượng chung đang chuẩn bị thành lập một “liên minh tự nguyện” để triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine như một phần của giải pháp hậu chiến. Liên minh này, theo một số nhà quan sát, không chỉ dừng lại ở một sứ mệnh hòa bình mà có thể bao hàm cả hoạt động hỗ trợ quân sự và huấn luyện cho lực lượng Ukraine. Đề xuất thành lập liên minh nhận được sự ủng hộ từ một số nước Đông Âu khi họ cho rằng, sự hiện diện của lực lượng này có thể giúp bảo vệ các khu vực quan trọng của Ukraine trước những cuộc tấn công từ Nga. Tuy nhiên, cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều bên, bao gồm cả Đức và Mỹ, do lo ngại sẽ biến Ukraine thành điểm nóng xung đột mở rộng, cũng như lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. 

Từ quan điểm của Nga, bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của phương Tây trên lãnh thổ Ukraine - dù dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình - cũng có thể bị xem là một hành động khiêu khích. Thực tế, Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng phương Tây đang sử dụng Ukraine như một “công cụ” để gây sức ép với Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã so sánh khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine với sự hiện diện của NATO. Theo ông, dù dưới bất kỳ lá cờ hay phù hiệu nào, đây vẫn là quân đội của các quốc gia thuộc NATO. Ông cũng bác bỏ ý tưởng trên, nhấn mạnh Moscow sẽ không cho phép điều đó xảy ra.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng sáng kiến về thỏa thuận hòa bình do Pháp và Anh khởi xướng chỉ nhằm “đạt được sự tạm dừng bằng mọi giá cho chính quyền Kiev đang hấp hối, cho lực lượng vũ trang Ukraine và ngăn chặn sự sụp đổ trên mặt trận”, khẳng định Nga muốn chấm dứt chiến tranh chứ không phải ngừng bắn tạm thời.

Việc Australia tham gia một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine có thể được Moscow coi là một bước leo thang nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức căng thẳng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Đáng chú ý, Nga từng có phản ứng rất quyết liệt khi Pháp gợi ý gửi quân tới Ukraine vào tháng 2/2025, với tuyên bố rằng “điều đó có thể châm ngòi Thế chiến III”. 

Nhìn vào những bài học lịch sử, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) đã từng can thiệp vào nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới, từ Kosovo, Bosnia đến Nam Sudan. Tuy nhiên, khác với các sứ mệnh trước đây, nếu một lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai tại Ukraine, họ sẽ phải đối mặt với một chiến trường đang diễn ra ác liệt, không có sự đồng thuận từ tất cả các bên liên quan. Đây là điểm khác biệt lớn so với các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thông thường của LHQ, vốn chỉ triển khai khi các bên xung đột đồng ý ngừng bắn. Hơn nữa, trong lịch sử, các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của phương Tây đôi khi đã dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Chiến dịch của NATO tại Kosovo năm 1999 bị Nga chỉ trích là hành động vi phạm chủ quyền quốc gia. Hay tại Libya năm 2011, sau khi NATO thiết lập vùng cấm bay với danh nghĩa bảo vệ dân thường, liên minh này đã tiến xa hơn khi hỗ trợ lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Gaddafi, tạo ra một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, lựa chọn của Australia sẽ có tác động lớn đến quan hệ song phương với Nga cũng như vị thế của nước này trong khối phương Tây. Nếu Canberra quyết định tham gia một lực lượng gìn giữ hòa bình, điều này có thể đẩy Australia vào một cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Nga. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, thay vì triển khai quân đội, Australia có thể cân nhắc các hình thức hỗ trợ khác, chẳng hạn như cung cấp viện trợ nhân đạo hoặc thiết bị phi sát thương cho Ukraine. Đây có thể là cách tiếp cận an toàn hơn, tránh những hệ lụy không mong muốn từ một cuộc đối đầu quân sự với Nga.

Dù lựa chọn thế nào, rõ ràng rằng lời cảnh báo của Nga dành cho Australia không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn phản ánh mối lo ngại thực sự về nguy cơ xung đột leo thang. Giới chuyên gia nhận định rằng, việc Australia cân nhắc tham gia vào một sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Ukraine có thể khiến nước này rơi vào tình thế khó xử, đặc biệt khi Moscow đã nhiều lần khẳng định sẽ không dung thứ cho sự hiện diện quân sự của phương Tây trong khu vực. Bên cạnh đó, theo nhà phân tích quốc phòng Peter Layton từ Viện Griffith Asia, “bất kỳ động thái nào của Australia nhằm tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ phải đối mặt với rủi ro rất cao, không chỉ trong mối quan hệ với Nga mà còn trong chính sách đối ngoại tổng thể của Canberra đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. 

Khi châu Âu đang tìm cách kết thúc cuộc chiến, bất kỳ động thái nào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh biến Ukraine thành một chiến trường mở rộng với sự tham gia trực tiếp của các lực lượng nước ngoài. Việc đưa quân gìn giữ hòa bình vào một khu vực xung đột chưa có dấu hiệu lắng dịu có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng.

Khổng Hà

Từ Nghị quyết 68 đến hành động là một chặng đường. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và tận dụng cơ hội này như thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PV Báo CAND về chủ đề này. 

Trong bối cảnh thu nhập giảm sút, kinh doanh khó khăn, giá điện tăng khiến người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Giá điện tăng vào mùa nắng nóng, doanh nghiệp lo tăng chi phí sản xuất. Người dân lo chắt bóp chi tiêu để bù vào tiền điện.

Trong lúc cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp, một nông dân ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đã phát hiện một thùng kim loại đựng nhiều băng đạn đồng, khoảng 300 viên.

Đã qua 2,5 năm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Anh Đảo Ngọc bị “đứng hình”, gây thiệt hại lớn. Hợp đồng với đối tác tại Phú Quốc lên đến 955 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thực hiện được khoảng 15% và đến nay không thể tiếp tục thực hiện. Ông Sự cho biết đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế Kiên Giang cho xuất hóa đơn điện tử nhưng đều bị từ chối.

Sau khi Báo CAND có bài viết: “Núi rừng Vĩnh Ô lại rỉ máu vì “vàng tặc”, phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép ở rừng phòng hộ Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc. Ba chốt kiểm soát được thiết lập tại các tiểu khu 582, 583 (xã Vĩnh Ô) và 575H (xã Vĩnh Hà).

Sáng 11/5, Thượng tá Lê Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tiếp nhận chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và thông tin trao đổi của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã phối hợp với Tổ công tác của phòng CSHS Công an tỉnh, bắt giữ 4 đối tượng trên đường chạy trốn, sau khi có liên quan đến vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Khoảng 97% bệnh nhân nội trú được thanh toán viện phí online, 100% các phim chụp X-quang không còn phải in phim, thời gian khám bệnh trung bình giảm xuống 50%, chỉ mất 30-40 giây để đăng ký khám lần đầu, từ lần thứ hai chỉ mất 5-8 giây với hệ thống mạng ổn định, tra cứu đơn thuốc, lịch sử khám dễ dàng… Đây là bức tranh toàn cảnh về những bệnh viện (BV) đi đầu trong chuyển đổi số của Hà Nội.

Đối với lực lượng Công an xã những người “gần dân, sát dân” nhất trong hệ thống bảo vệ an ninh Tổ quốc, công nghệ đang mở ra một cánh cửa mới của đổi mới tư duy, nâng tầm nghiệp vụ, và hơn hết là cửa của một hành trình phụng sự nhân dân hiệu quả, sâu sát và nhân văn hơn bao giờ hết.

Jason Pendant Quang Vinh, một cầu thủ Việt kiều Pháp tin rằng mấu chốt của một hành trình xuất ngoại thành công phải đến từ sự thích nghi. Chỉ khi nói được thứ tiếng bản địa, làm quen với văn hoá địa phương… mới có thể giúp cầu thủ tìm được chỗ đứng ở một phương trời xa lạ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.