Khu phố nhà giàu của Hàn Quốc trở thành "rốn lũ"

14:42 10/08/2022

9 người thiệt mạng, 7 người vẫn đang mất tích, và hơn 2.500 ngôi nhà bị ngập trong trận mưa kỷ lục xảy ra tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào đầu tuần này. Đáng chú ý, Gangnam, khu phố xa hoa bậc nhất của Seoul, lại trở thành nơi bị mưa lũ tấn công nặng nề nhất.

Người dân khổ sở di chuyển trong mưa lũ khi loạt xe cộ bị mắc kẹt vì nước dâng tại quận Gangnam. Ảnh: Reuters
Mưa lớn kéo dài khiến nước dâng cao, vượt quá khả năng điều tiết của hệ thống chống lũ tại Seoul. Ảnh: Yonhap

Mưa lớn xảy ra đêm 8/8 dẫn đến ngập lụt diện rộng tại khu vực Seoul và tỉnh Gyeonggi đã gây nhiều tổn thất cả về người và của đối với Hàn Quốc. Tổng cộng 2.676 ngôi nhà bị ngập, hầu hết là ở Seoul. Khoảng 570 người, chủ yếu sống ở thủ đô, đã phải di dời. Những trận mưa như trút nước kéo dài ba ngày cũng khiến nhiều cơ sở công cộng không thể hoạt động, còn các tuyến giao thông đình trệ kéo dài.

Tại Seoul, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Gangnam, khu dân cư giàu có nổi tiếng, thường xuất hiện đẳng cấp trên các bộ phim truyền hình. Trên mạng xã hội, hình ảnh những chiếc ô tô chìm trong biển nước, còn người dân mắc kẹt giữa khu phố sầm uất được chia sẻ liên tục.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các khu dân cư ở phía nam Seoul bị lũ quét do mưa lớn. Vào tháng 9/2010 và tháng 7/2011, khu vực này đã bị lũ lụt tương tự sau những trận mưa như trút nước. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về nguyên nhân khiến Gangnam trở thành "hũ" chứa nước khi mưa bất thường xảy ra. 

Theo Korea Herald, Gangnam trước đây là một vùng đất bằng phẳng, sình lầy với một vài ngôi làng thưa thớt. Nằm ở vị trí thấp gần sông, khu vực này có nguy cơ bị lũ lụt cao. Còn hiện nay, những con đường tại Gangnam được bê tông hóa với nhiều cao ốc xen kẽ, hơn 75% diện tích đất ở Gangnam có độ cao thấp hơn 40 mét và góc dốc đất là 5%.

Trong khi phần lớn khu vực lân cận là đất bằng, khu vực xung quanh ga Gangnam lại là vùng trũng khiến nước mưa dễ tích tụ hơn. Một số nơi có độ cao thấp hơn 10 mét so với các khu vực xung quanh. Do đó, khu vực này đã được so sánh với "hangari" - chum tích nước bằng đất nung truyền thống của Hàn Quốc.

Người dân lội qua khu vực ngập nước ở quận Gangnam. Ảnh: Yonhap
Hình ảnh khó tin tại một trong những nơi sầm uất và xa xỉ bật nhất Seoul. Ảnh: Reuters

Bên cạnh yếu tố địa hình, bản thân trận mưa đêm 8/8 cũng tác động nặng nề đến phía nam của thủ đô hơn so với các khu vực khác. Lượng mưa đo được tại "bộ ba Gangnam" - 3 quận Dongjak, Seocho và Gangnam, đều ở mức trên 400mm trong 24 giờ qua, theo tiết lộ của một quan chức địa phương với Korea Herald.

"Một vành đai mây di chuyển về phía Nam của Seoul, mang đến nhiều mưa hơn cho khu vực này", vị quan chức giải thích, nói thêm rằng khi khối không khí lạnh từ phía Bắc di chuyển đến Hàn Quốc, nơi đang có khí hậu ấm vào thời điểm hiện tại, sẽ gây ra mưa lớn tại phía Nam Seoul.

Tuy nhiên, các phương án chống lũ lụt cũng là bài toán lớn mà Seoul vẫn chưa thể đưa ra đáp số, nhất là khi đối diện trận mưa lớn bất chợt này. Theo chính quyền Seoul, kể từ trận lũ lụt năm 2012, thành phố đã xây dựng các đường hầm vượt lũ dưới lòng đất, chịu được lượng mưa lên tới 85 mm mỗi giờ.

Đặc biệt, việc xây dựng đường hầm chống lũ mới ở Banpo gần khu Gangnam đã được hoàn thành vào tháng 6, nhưng cơ sở hạ tầng hiện tại của đường hầm "chưa được chuẩn bị" cho trận mưa như trút nước vào đêm 8/8 với lượng mưa vượt quá 110 mm/giờ.

Năm 2015, chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch cải tạo hệ thống thoát nước ở Gangnam và các khu vực lân cận trị giá 1,07 tỷ USD. Công trình ban đầu dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2016, nhưng do ngân sách và các vấn đề khác, nên hiện vẫn chậm tiến độ và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

An Nhiên

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文