Kịch bản nào cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ?
Cách ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ không xa, đảng Dân chủ đang hy vọng tiếp tục nắm giữ quyền lực, trong khi đảng Cộng hòa khao khát giành kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Với tầm ảnh hưởng của cuộc bầu cử này, cộng đồng quốc tế đều băn khoăn về những điều gì có thể xảy ra.
Nước Mỹ vẫn tiếp tục bị phân rẽ sâu sắc
Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vì thế có tầm quan trọng đặc biệt. Kết quả của nó sẽ có tác động rất lớn tới chính trường “xứ cờ hoa” trong 2 năm tới. Các cuộc thăm dò và dự báo gần đây về bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ cho thấy, chưa thể xác định đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện, trong khi đó đảng Cộng hòa có nhiều khả năng không giành được đa số tại Hạ viện. Giới chuyên gia phân tích chính trị đã đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra tại Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử lần này.
Kịch bản kết quả được dành cho nhiều khả năng xảy ra nhất là đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện hoặc ngược lại, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Theo kết quả thăm dò, nhiều khả năng, đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ vẫn giữ đa số ghế ở Thượng viện.
Việc mất đi một hoặc cả lưỡng viện quốc hội sẽ ảnh hưởng sâu sắc cho nửa nhiệm kỳ cuối của đương kim Tổng thống Joe Biden. Trong trường hợp mỗi đảng kiểm soát một viện tại Quốc hội, khả năng thông qua những đạo luật đầy tham vọng là rất khó khăn. Thay vào đó, hai viện sẽ tập trung vào các ưu tiên của riêng họ trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với các tranh cãi về các dự luật phải thông qua như tài trợ của chính phủ và việc tăng trần nợ.
Kịch bản tiếp theo là đảng Cộng hòa kiểm soát được cả lưỡng viện lập pháp. Đây là kịch bản khó có khả năng xảy ra và cũng là kịch bản tồi tệ nhất đối với Tổng thống Joe Biden khi buộc người đứng đầu Nhà Trắng phải cân nhắc thật sự kỹ càng về việc có nên tái ứng cử tổng thống hay không. Tuy nhiên, nó lại khích lệ tối đa ông Donald Trump lần nữa chạy đua vào Nhà Trắng. Và kịch bản còn lại là đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện.
Đây là kịch bản tốt nhất cho ông Joe Biden khi ông có cơ hội tiếp tục các chính sách của mình như ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng chương trình y tế của chính phủ, bảo vệ quyền nạo phá thai hay siết chặt kiểm soát súng đạn. Bên cạnh đó, các thành viên đảng Đảng Dân chủ cũng sẽ có cơ hội thông qua luật hòa giải ngân sách mà không phải lo lắng về sự phân tán dù họ sẽ gặp những hạn chế nhất định. Nó hiện là giấc mơ quá hay và quá đẹp đối với phe đảng Dân chủ. Kịch bản nào rồi đây trở thành thực tế thì nước Mỹ vẫn tiếp tục bị phân rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội với chiều hướng gia tăng mức độ trầm trọng chứ chưa thể ngược lại.
Một kỳ bầu cử phủ định kép
Kết quả bỏ phiếu ngày 8/11 tới sẽ làm rõ hơn hai biến số: Liệu người Mỹ ngày một chán nản với năng lực điều hành kinh tế của đảng Dân chủ, hay cử tri Cộng hòa có xu hướng xa rời ông Donald Trump. Bất luận ra sao, kết cục bầu cử sẽ tạo ra một cuộc đua đầy chia rẽ vào Nhà Trắng trong năm 2024. Thực tế này biến cuộc đua tại Mỹ thành một kỳ bầu cử phủ định kép. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy đa phần người Mỹ đều cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ đã xử lý không thành công các vấn đề về tội phạm, biên giới và nhất là kinh tế, lạm phát. Nhưng cũng một tỷ lệ tương ứng tin rằng, đảng Cộng hòa sẽ là nguy cơ đối với quyền, giá trị của chính họ và cả nền dân chủ Mỹ.
Khảo sát trên phạm vi toàn quốc do NBC tiến hành hồi tháng trước cho thấy, có khoảng 50% cử tri không đồng ý với nghị sự mà ông Biden và phe Dân chủ tại Quốc hội muốn thực hiện. Nhưng cũng có đến hơn 50% bày tỏ ý kiến tương tự như vậy đối với kịch bản ông Trump nắm quyền tại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội. Một nửa số cử tri bày tỏ quan điểm không tin tưởng bất kỳ đảng nào có khả năng cải thiện thực trạng kinh tế.
Nếu như phe Cộng hòa có được thắng lợi khiêm tốn, đó vẫn sẽ là lời cảnh báo rõ ràng đối với đảng này. Bởi theo đúng như những gì ông Trump từng bày tỏ, đảng Cộng hòa khi đó đã đạt tới ngưỡng trần của số cử tri ủng hộ tiềm năng.
Nhưng ngay cả một bước tiến nhỏ như vậy của đảng Cộng hòa cũng sẽ gửi đi một cảnh báo tương tự đối với phe Dân chủ: Việc khoét sâu vào các giá trị và cam kết của đảng Cộng hòa theo hướng đe dọa nền dân chủ là không đủ để ngăn phe Cộng hòa nắm quyền tại Nhà Trắng trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2024.
Nếu căn cứ theo tiền lệ, phe Dân chủ sẽ phải đối mặt với vòng bầu cử khó khăn sắp tới. Một phần là bởi kỳ bầu cử giữa kỳ đầu tiên của Tổng thống mới luôn gây khó khăn với đảng cầm quyền. Quan trọng hơn, phần đông cử tri hiện nay đều tỏ ra bi quan về thực trạng kinh tế Mỹ. Kết quả thăm dò do liên danh NPR/PBS hay NewsHour/Marist thực hiện cho thấy có đến 60% tin rằng các chính sách của Tổng thống Biden làm kinh tế Mỹ suy yếu. Dựa trên thái độ trên đây của cử tri, các mô hình học thuật đưa ra dự báo đảng Dân chủ có khả năng mất 40-45 ghế tại Hạ viện ở kỳ bầu cử giữa kỳ năm nay.
Không những vậy, đảng này còn phải đối mặt với “cơn gió ngược” ngày một lớn trong cuộc đua ở Thượng viện, khi cử tri có thiên hướng lựa chọn ứng viên theo nhận định, đánh giá về khả năng điều hành của Tổng thống đương nhiệm. Kỳ bầu cử giữa kỳ tại Thượng viện năm 2018, đảng Cộng hòa thua toàn diện tại tất cả các bang mà ở đó tỉ lệ ủng hộ đối với ông Trump không vượt được mức 48%. Kỳ bầu cử 2010, đảng Dân chủ cũng mất 13/15 ghế tại Thượng viện ở những bang ông Barack Obama có mức tín nhiệm dưới 47%. Năm nay, tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với ông Joe Biden theo các cuộc thăm dò đều dưới 45% tại những bang diễn ra cuộc đua khốc liệt bầu vào Thượng viện.
Trước những “cơn gió ngược” như vậy, kết quả thăm dò cho thấy đảng Dân chủ vẫn có khả năng cạnh tranh khá cao đối với cuộc đua tại Hạ viện trên phạm vi toàn quốc, cũng như cuộc đua vào Thượng viện tại một số bang chủ chốt như Arizona, Georgia, Nevada, New Hampshire, Ohio, Pennsylvania nay Wisconsin. Đó là bởi đảng Dân chủ đã giảm thiểu tối đa xu thế cử tri từ bỏ ủng hộ đảng, tăng can dự ủng hộ từ những nhóm then chốt trong liên minh, nhất là các nhóm trẻ, tầng lớp cử tri có trình độ đại học, nhóm phụ nữ, người da màu.
Một chính phủ cầm quyền sau khi được bầu lên chỉ có thể cảm thấy an toàn nếu như ngày càng có nhiều cử tri cảm thấy an toàn về thực trạng kinh tế, tài chính của bản thân. Với đảng Dân chủ, nguy cơ về một kết cục xấu không bất ngờ sau ngày 8/11 tới dường như lớn hơn kịch bản về một kết quả tốt trong dự kiến. Nếu đảng Cộng hòa có chiến thắng, thực tế này sẽ lại khoét sâu chiều hướng dịch chuyển then chốt của nền chính trị hiện đại Mỹ.
Đó là việc không có một đảng nào đủ sức duy trì ưu thế bền lâu trước đảng còn lại. Nếu phe Dân chủ mất quyền kiểm soát lưỡng viện hoặc một trong hai viện ở Quốc hội, đây sẽ là lần thứ 5 liên tiếp ghi nhận kịch bản một tổng thống lên nắm quyền đầu nhiệm kỳ với đảng cầm quyền kiểm soát cả hai viện, nhưng sau đó mất đi thế áp đảo này.
Viễn cảnh về một cuộc đua căng thẳng trong tuần tới tại tất cả các bang từng giữ vai trò quyết định kết cục bầu cử tổng thống 2020 cho thấy một xu hướng tương tự: Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 sẽ lại là một kỳ bầu cử gây chia rẽ nước Mỹ mạnh hơn.