Lãnh đạo Mỹ - Pháp lên kế hoạch gặp mặt sau "lùm xùm" căng thẳng
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc gặp vào tháng tới trong bối cảnh hai nước nỗ lực giải quyết bất đồng, đặc biệt là sau thỏa thuận tàu ngầm mà Mỹ ký với Australia.
Trong một tuyên bố chung ngày 22/9, hai nước cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm và nhất trí sẽ gặp trực tiếp vào tháng 10.
“Hai nhà lãnh đạo đã quyết định bắt đầu một quá trình tham vấn sâu rộng, nhằm tạo điều kiện đảm bảo lòng tin và đề xuất các biện pháp cụ thể hướng tới các mục tiêu chung”, tuyên bố cho biết.
Đại sứ Pháp tại Mỹ cũng sẽ trở lại Washington vào tuần tới. Trước đó, Paris triệu hồi đại sứ về nước sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố thành lập liên minh an ninh, có tên AUKUS, vào ngày 15/9, với mục tiêu cải thiện sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chính quyền Biden đã khiến Paris phẫn nộ khi công bố quan hệ đối tác an ninh với Anh và Australia vào tuần trước mà không có sự tham gia của Pháp.
Theo thỏa thuận này, Anh và Mỹ sẽ giúp Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, dẫn đến việc Australia hủy bỏ một thỏa thuận tàu ngầm thông thường với Pháp.
Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để phản đối, đẩy căng thẳng ngoại giao giữa các đồng minh lên đến đỉnh điểm.
Sau đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ dừng thỏa thuận năm 2016 mua tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do công ty Naval Group của Pháp thiết kế, nói thêm rằng các tàu ngầm thông thường đã “không phù hợp” với nhu cầu hoạt động của nước này.
Pháp nhanh chóng lên tiếng phản đối hiệp ước ba bên AUKUS, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi việc loại trừ Paris khỏi các cuộc thảo luận là “tàn bạo, đơn phương và không thể đoán trước”.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhanh chóng xoa dịu sự tức giận của chính phủ Pháp trong những ngày sau đó. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định rằng Washington vẫn cam kết hợp tác với Pháp và EU tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.