Lấy hợp tác làm chủ đạo và cân bằng tương đối

08:45 19/11/2022

Giới chuyên gia cho rằng, phát triển quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản ổn định cơ bản, lấy hợp tác làm chủ đạo và cân bằng tương đối thời đại mới phù hợp với lợi ích của 3 bên, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích chung của các nước khu vực Đông Á. Đây là một nhiệm vụ lịch sử có ý nghĩa sâu rộng, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cần phải cùng nhau nỗ lực.

Nhìn chung, quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Nhật hiện trong tình trạng bất ổn, mất cân bằng nghiêm trọng. Cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) thời gian gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng này. Đối với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, điều lý tưởng nhất là hình thành được quan hệ 3 bên dựa trên sự ổn định cơ bản, lấy hợp tác làm chủ đạo và cân bằng tương đối.

Từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước, quan hệ 3 bên Mỹ-Trung-Nhật đã giữ được trạng thái tốt đẹp như vậy. Trong 20 năm đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ-Trung-Nhật mặc dù có nhiều biến động nhưng hợp tác vẫn là chủ yếu. Là 3 cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Á, quan hệ tốt đẹp Mỹ-Trung-Nhật sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển hòa bình của khu vực.

Quan hệ tốt đẹp Mỹ-Trung-Nhật sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển hòa bình của khu vực.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung-Nhật hiện nay đang phát triển theo hướng ngược lại. Trước hết, quan hệ Mỹ-Trung, Trung-Nhật đều rất căng thẳng và không ổn định. Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nghiêm trọng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, mức độ căng thẳng có giảm đôi chút, song sự xấu đi của mối quan hệ vẫn không thay đổi.

Quan hệ Trung-Nhật trở lại bình thường vào năm 2018 sau nhiều năm căng thẳng (khi đó Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe áp dụng một số chính sách “bảo hiểm rủi ro” giữa Trung Quốc và Mỹ), nhưng đã xấu đi trong 2 năm gần đây. Khác với quan hệ Mỹ-Trung và quan hệ Trung-Nhật, quan hệ Mỹ-Nhật đã được khôi phục và tăng cường sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Nhật sẽ như thế nào nếu ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ tới?

Thứ hai, hợp tác giữa 2 nước Mỹ, Nhật Bản với Trung Quốc ngày càng suy yếu. Điều này được thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, không phổ biến vũ khí hạt nhân, duy trì an ninh hạt nhân, chống tội phạm xuyên quốc gia, duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu. Ngoài ra, hợp tác kinh tế thương mại Mỹ-Trung, Trung-Nhật cũng bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là trong hợp tác khoa học-công nghệ. Tuy nhiên, nếu không có hợp tác giữa 3 nước Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác Mỹ-Trung, cộng đồng quốc tế sẽ không thể ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu đang ngày càng tăng.

Thứ ba, 2 điểm nói trên đã dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng trong quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Nhật. Xu hướng cơ bản là Mỹ và Nhật Bản xích lại gần nhau, trong khi Mỹ-Trung và Trung-Nhật ngày càng xa nhau. Quan hệ 3 bên có nguy cơ quay trở lại tình trạng trong nửa đầu Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa quân sự nghiêm trọng, Nhật Bản hoàn toàn bị “trói vào cỗ chiến xa của Mỹ”, không có quyền tự chủ, Mỹ có địa vị lãnh đạo ở khu vực Đông Á.

Hiện nay, nếu quan hệ 3 bên Mỹ-Trung-Nhật không sớm thay đổi, hợp tác kinh tế, an ninh giữa 3 bên và khu vực Đông Á sẽ bị suy yếu, dẫn đến chạy đua vũ trang trong khu vực và tình thế khó khăn về an ninh, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng quân sự lớn, thậm chí xung đột quân sự cục bộ. Nếu khủng hoảng quân sự xảy ra, nó không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về việc tách rời kinh tế, công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn có thể khiến Chiến tranh Lạnh “hồi sinh” toàn diện ở Đông Á (Nhật Bản khi đó sẽ có quyền tự chủ lớn hơn thời gian trước đây, song điều này chỉ khiến cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng phức tạp hơn).

Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung-Nhật. Thứ nhất, cán cân quyền lực của 3 nước đã có những thay đổi lớn, Mỹ và Nhật Bản hiện vẫn không chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, niềm tin giữa Mỹ-Trung, Trung-Nhật suy giảm nghiêm trọng. Thứ hai, trong những năm gần đây, thế giới xuất hiện xu hướng đi ngược lại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia đã bị tổn hại nghiêm trọng, hơn nữa tình hình dịch bệnh toàn cầu trong 3 năm trở lại đây đã khiến cho xu hướng này ngày càng gia tăng.

Thứ ba, sau khi lên nắm quyền, cùng với việc kế thừa chính sách của ông Donald Trump đối với Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden đã điều chỉnh, củng cố quan hệ với đồng minh, lôi kéo Nhật Bản cùng chống Trung Quốc. Và thứ tư, các tranh chấp lâu nay về các đảo đá ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), một lần nữa trở nên nổi cộm. Do tác động của nhiều nguyên nhân, đối thoại và trao đổi giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Vậy làm thế nào để thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung-Nhật hiện nay, mà vốn không có lợi cho quan hệ ba bên, đồng thời cũng không có lợi cho hòa bình phát triển của khu vực? Trung Quốc phản đối lấy cạnh tranh chiến lược để định nghĩa quan hệ Mỹ-Trung, vẫn hy vọng và tìm cách phát triển quan hệ tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, cùng có lợi và cùng thắng với Mỹ.

Giới học giả Trung Quốc đề xuất lấy “cạnh tranh, hợp tác, chung sống hòa bình” để định vị quan hệ Mỹ-Trung. Tổng thống Joe Biden và đội ngũ của ông đã có một số điều chỉnh tương đối tích cực trong chính sách với Trung Quốc. Nếu Mỹ thực hiện “lời nói đi đôi với việc làm”, hai nước mới có thể từng bước nối lại quan hệ và tăng cường đối thoại, tránh xảy ra xung đột đối đầu, tiến hành cạnh tranh lành mạnh, hợp tác khi cần thiết. Như vậy, qua một giai đoạn tương đối dài, quan hệ Mỹ-Trung sẽ quay trở lại ổn định và cải thiện hơn.

Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ không chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ, mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản phù hợp thời đại mới. Điều này cũng gần như tương đồng với chủ trương xây dựng quan hệ Nhật-Trung ổn định, mang tính xây dựng phù hợp với yêu cầu thời đại mới do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất.

Để ổn định và phát triển quan hệ 2 nước, 2 bên cần kiên trì nền tảng chính trị xác lập trong 4 thông cáo chung; sớm nối lại và tăng cường đối thoại, đặc biệt là đối thoại cấp cao về ngoại giao, tăng cường kiểm soát rủi ro và khủng hoảng về an ninh (ưu tiên hàng đầu là thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng 2 nước) và hợp tác an ninh phi truyền thống; tránh suy thoái kinh tế toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của toàn cầu hóa trên cơ sở nỗ lực duy trì hợp tác kinh tế thương mại song phương.

Về quan hệ Mỹ-Nhật, Trung Quốc mong muốn đồng minh Mỹ-Nhật áp dụng chính sách an ninh, quân sự mang tính phòng thủ không nhằm vào bên thứ ba, không can thiệp công việc nội bộ nước khác, từng bước giảm bớt tính đối đầu, gia tăng độ minh bạch, đóng góp cho hòa bình ổn định khu vực và ứng phó với an ninh phi truyền thống. Trung Quốc cũng hy vọng hợp tác kinh tế, công nghệ Mỹ-Nhật mang tính cởi mở, nếu theo đuổi chính sách tách rời hoặc bán tách rời với Trung Quốc thì sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của chính Mỹ và Nhật Bản.

So với quan hệ Mỹ-Trung, Trung-Nhật, gần 20 năm trở lại đây, cùng với sự chuyển dịch quyền lực, quan hệ Trung-Nhật trải quả nhiều thăng trầm. Hy vọng cả 2 có thể tổng kết kinh nghiệm, phát huy lợi thế sự tương đồng về văn hóa, đi đầu trong việc vượt qua “bẫy Thucydides”, từng bước thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới. Thực tiễn thành công của 2 nước Trung Quốc và Nhật Bản có thể phát huy vai trò đi đầu và làm gương cho sự phát triển của quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.

Tóm lại, phát triển quan hệ Mỹ-Trung-Nhật ổn định cơ bản, lấy hợp tác làm chủ đạo và cân bằng tương đối thời đại mới phù hợp với lợi ích của 3 bên, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích chung của các nước khu vực Đông Á. Đây là một nhiệm vụ lịch sử có ý nghĩa sâu rộng, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cần phải cùng nhau nỗ lực.

Minh Hải (tổng hợp)

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang trao tặng lẵng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN và toàn thể tăng, ni, phật tử một mùa Phật đản an lạc, cát tường.

Sáng 20/5, TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng 15 bị cáo khác trong vụ án: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến hành vi khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit .

Ngày 20/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Lường Văn Nam (SN 1992, ở tại Xuân Hòa, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa song Người để lại cho hậu thế những di sản vô cùng quý giá. Di sản Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di sản ấy là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do chính Người sáng tạo, để lại cho Đảng, dân tộc Việt Nam.

Với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo kiểu “bò ngang”, các chuyên gia cho rằng mục tiêu nâng dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP đến năm 2025, và đạt 25% đến năm 2030 là rất thách thức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo luật Nhà giáo để lấy ý kiến dư luận. Một trong những nội dung được quan tâm trong Dự thảo luật Nhà giáo là quy định: "Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文