Lo ngại làn sóng dịch mới, Nhật Bản đầu tư khủng cho tăng cường nguồn lực y tế
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12/11 đã công bố kế hoạch khẩn cấp nhằm tăng số giường bệnh và nguồn lực y tế để chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch COVID-19 vào mùa đông năm nay, Reuters đưa tin.
Sau khi đợt bùng phát dịch thứ 5 khiến hệ thống y tế nước ngày gần như bị áp đảo vào mùa hè vừa qua, số ca nhiễm và tử vong đã giảm mạnh do tỷ lệ tiêm chủng tại nước này tăng. Hiện hơn 70% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng.
Các biện pháp khẩn cấp trên hầu hết đất nước đã được dỡ bỏ vào tháng trước, tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng các ca nhiễm mới có thể sẽ bùng phát trở lại, giống những gì từng xảy ra vào mùa đông năm ngoái. Trước đó, chính phủ có kế hoạch tăng công suất giường bệnh lên khoảng 30%, tăng cường chăm sóc tại nhà và thu thập dữ liệu để dự đoán bệnh viện nào sẽ phải chịu áp lực.
Ông Kishida cho biết, “song song với việc củng cố hệ thống y tế, từ tháng 12 Nhật Bản sẽ sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để công khai số lượng giường bệnh và tình trạng bệnh nhân tại mỗi bệnh viện”.
Đầu tuần này, ông Kishida cho biết “con át chủ bài” trong cuộc chiến chống đại dịch của chính phủ là mua các phương pháp điều trị thông qua đường uống để giảm nhu cầu đến bệnh viện.
Nhật Bản sự kiến sẽ chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,6 triệu liều thuốc kháng virus molnupiravir do Merck & Co sản xuất.
Trong khi đó, nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine nhắc lại vào tháng tới, chính phủ cũng đang cân nhắc mở rộng diện tiêm chủng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Nhật Bản đã vượt qua đại dịch tốt hơn nhiều quốc gia, chỉ với hơn 18.000 ca tử vong cho đến nay và không có các lệnh đóng cửa nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, chính phủ đã phải đối mặt với chỉ trích nặng nề về việc số bệnh nhân thiệt mạng tại nhà quá lớn do các bệnh viện không thể xử lý hết số ca nhiễm khổng lồ trong đợt bùng phát vừa qua. Cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đã từ chức vào tháng 9 do những áp lực từ việc xử lý cuộc khủng hoảng.
Để ngăn chặn tình trạng thiếu giường bệnh, Bộ Y tế Nhật Bản đã áp dụng một hệ thống sử dụng dữ liệu các ca nhiễm trong quá khứ và hiện tại để dự đoán khi nào và ở đâu các nguồn lực y tế sẽ chịu căng thẳng.