Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu?

06:37 02/06/2022

Hàng triệu người có thể trở thành nạn nhân của một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất nhiều thập kỉ, trong bối cảnh mùa màng thất thu, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón toàn cầu bị gián đoạn, đẩy giá lương thực lên mức cao lịch sử.

Thế giới trước khủng hoảng mới

Trong phát ngôn được mô tả là lời cảnh báo với thế giới tại hội nghị lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về tình hình Ukraine, Tổng thống Senegal Macky Sall, khách mời với vai trò là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), cảnh báo việc thiếu hụt hàng triệu tấn ngũ cốc, phân bón từ Nga và Ukraine qua ngả biển Đen là điều gây lo ngại đặc biệt với "lục địa đen", khu vực có tới 282 triệu người đang sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, Wall Street Journal ngày 1/6 đưa tin.

Một con tàu tiếp nhận ngũ cốc từ cảng biển ở Ukraine trước khi chiến sự nổ ra. Ảnh: AdobeStock

Ông Sall thông tin thêm, giá phân bón tại châu Phi đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021, nhưng mùa màng vẫn thất thu. "Ước tính sơ bộ chỉ ra rằng sản lượng ngũ cốc ở châu Phi sẽ bị suy giảm từ 20-50% trong năm nay. Chúng tôi muốn các bên liên quan làm mọi việc trong khả năng để giải phóng các kho chứa ngũ cốc, bảo đảm vận chuyển hàng hóa và tiếp cận thị trường", Tổng thống Senegal nói.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường toàn cầu. Ngoài ra, hai nước này còn xuất khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu khác như dầu ăn, nông sản, phân bón cho nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), châu Phi nhập khoảng 44% nhu cầu lúa mì từ Nga và Ukraine trong giai đoạn 2018-2020.

Khi xung đột nổ ra, Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc với lí do các cảng bên bờ biển Đen và biển Azov bị phong tỏa. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/5 xác nhận khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc của nước này đang mắc kẹt trong các kho chứa. Trong khi đó, Nga cũng hạn chế bán nông sản và phân bón ra nước ngoài do Mỹ cùng hầu hết các nước châu Âu cấm tàu Nga cập cảng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với lĩnh vực ngân hàng của Moscow đã làm gián đoạn thanh toán quốc tế, làm tình hình thêm phức tạp.

Ngoài ra, không chỉ ở châu Phi, thời tiết khắc nghiệt và nhiều yếu tố khách quan khác đã khiến mùa màng thất thu tại châu Á, châu Âu và cả Mỹ. Một loạt quốc gia, bao gồm Ấn Độ - quốc gia sản xuất nhiều lúa mì hàng đầu thế giới - cấm xuất khẩu mặt hàng này, khiến nguồn cung ngũ cốc ngày càng bị thu hẹp.

LHQ mới đây cảnh báo tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với các mặt hàng ngũ cốc, dầu, khí đốt và phân bón có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh đói ăn và sẽ mất nhiều năm để giải quyết vấn đề này. Trong cuộc phỏng vấn với AFP bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner tiết lộ, thế giới có hơn 200 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Và số lượng người có thể phải đối mặt với các mối đe dọa trong tương lai đang tăng lên, chẳng hạn như hạn hán ở vùng Sừng châu Phi.

Ông Steiner cũng lo ngại, nạn đói và giá lương thực tăng sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính, giữa lúc ngân sách nhiều quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch COVID-19. UNDP ước tính có khoảng 80 quốc gia đang đối mặt với nguy cơ nợ nần. Và nợ có thể nhanh chóng chuyển thành rạn nứt chính trị. "Khi người dân thiếu ăn, các chính phủ không thể cung cấp thực phẩm trên thị trường, thì bất ổn chính trị sẽ nhanh chóng nảy sinh và điều này gây quan ngại sâu sắc", ông cảnh báo.

Có giải pháp hay không?

Cải thiện an ninh lương thực là vấn đề mà thế giới đã xác định cần thực hiện trong dài hạn. Tuy nhiên, trước viễn cảnh có thêm hàng triệu người đói ăn chỉ sau vài tuần nữa, điều quan trọng lúc này là khơi thông trở lại nguồn cung ngũ cốc dồi dào từ Nga và Ukraine, giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện hữu. Theo ghi nhận tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 21/5, dự trữ lúa mì trên thế giới sẽ chỉ đủ trong 10 tuần, và tình hình còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2007-2008.

Trong khi Ukraine và phương Tây chỉ trích Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Kiev, thì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/5 bác bỏ cáo buộc này, khẳng định Moscow luôn làm mọi cách để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Theo ông, các lệnh trừng phạt của phương Tây mới là lí do dẫn đến gián đoạn nguồn cung cấp lương thực. Ông Lavrov cũng nói rằng, Nga sẵn sàng đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhưng Kiev phải tự dọn sạch bom mìn tại các vùng biển ven bờ.

Trước đó, khi điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/5 khẳng định, Nga sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc thông suốt từ các cảng của Ukraine và xuất khẩu "khối lượng lớn" thực phẩm và phân bón của nước này, nhưng với điều kiện phương Tây dỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Nga đã nêu quan điểm tương tự trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Từ LHQ, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric ngày 31/5 xác nhận một quan chức cấp cao của cơ quan này đã có "cuộc thảo luận mang tính xây dựng" tại Moscow với Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov về việc tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Cùng thời điểm, một quan chức khác có mặt ở Mỹ để đàm phán, nhưng chưa rõ liệu nội dung đối thoại có xoay quanh khả năng rút bớt các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga hay không.

Hiện chưa rõ khả năng Nga và phương Tây đạt nhượng bộ hay đồng thuận về khả năng khơi thông trở lại dòng chảy lương thực, phân bón qua ngả biển Đen. Theo giới truyền thông, một số quốc gia ở châu Âu bắt đầu lo ngại rằng giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu hụt ở các thị trường mới nổi mong manh ở châu Phi và Trung Đông còn dẫn đến một thảm họa nhân đạo tồi tệ và kích hoạt một làn sóng di cư ồ ạt khác đến các nước EU. Đây có thể là động lực để EU cân nhắc hạ nhiệt một số biện pháp cấm vận nhắm vào Nga, dù trên thực tế, họ vừa ban bố gói biện pháp trừng phạt thứ 6 chống lại Moscow, gồm một lộ trình cấm dầu mỏ Nga.

Ngoài nối lại nguồn cung ngũ cốc từ Nga, Ukraine, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây còn kêu gọi các quốc gia hủy kế hoạch cắt giảm viện trợ. "Các khoản đóng góp cho các cơ quan, quỹ và chương trình quan trọng của LHQ đang đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm. Bước đi như vậy lúc này sẽ thu hẹp khả năng ứng phó của LHQ khi nhu cầu được trợ giúp đang ở mức cao nhất mọi thời đại", ông nói.

Thiện Nhân

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文