Máy bay Nga quần thảo Tây Bắc Syria, hạ 100 tay súng phiến quân
Nga thông báo triển khai máy bay quân sự không kích trại huấn luyện và sở chỉ huy của phiến quân Syria, hạ khoảng 100 tay súng mang tư tưởng cực đoan và nhiều vũ khí các loại.
Interfax ngày 16/10 dẫn lời Thiếu tướng Oleg Yegorov, Phó Giám đốc Trung tâm hòa giải các bên đối đầu ở Syria của Nga, xác nhận, máy bay quân sự nước này đã được lệnh tấn công một trại huấn luyện và một sở chỉ huy phiến quân tại tỉnh Aleppo phía Tây Bắc Syria, theo đó loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 100 tay súng.
Theo lời tướng Yegorov, các tay súng bị hạ là thành viên các nhóm khủng bố quốc tế và các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Ngoài ra, Nga cũng khẳng định đã phá hủy toàn bộ một sở chỉ huy, các kho vũ khí, đạn dược cùng 15 xe cơ giới với súng máy của phiến quân.
Cùng thời điểm đợt không kích ở Tây Bắc Syria, Nga cũng phối hợp lực lượng Syria mở chiến dịch trả đũa các tay khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh miền Nam Deraa, sau khi phát hiện nhóm đứng sau vụ đánh bom xe bus của quân đội Syria làm 19 binh sĩ thiệt mạng cách đây vài ngày.
"Trong chiến dịch đặc biệt này, 20 phần tử đã bị tiêu diệt bởi các phân đội tấn công của lực lượng vũ trang Syria với sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga", ông Yegorov nói thêm.
Syria lâm vào nội chiến từ năm 2011, khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua nước này. Năm 2014, với sự trỗi dậy của khủng bố IS ở Syria và Iraq, Chính phủ Syria có giai đoạn mất gần như toàn bộ lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Đến năm 2017, nhờ sự trợ giúp của Nga, Iran và các lực lượng thân cận, chính quyền ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ; dân quân người Kurd thân Mỹ kiểm soát khu vực bờ Tây sông Euphrates. Các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan co cụm ở vùng Tây Bắc, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres năm ngoái cảnh báo Syria đang trong tình trạng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình", khi mà các cuộc chiến giữa các phe đối địch không còn ác liệt như trước, song mâu thuẫn vẫn còn nguyên, chưa thể hóa giải bằng con đường đối thoại; người dân vẫn chưa thể trở lại nhà cửa, chưa thể tái thiết cuộc sống.