"Một trận đánh lớn" có ý nghĩa quyết định cuộc xung đột Nga - Ukraine?

07:32 24/10/2022

Đây là cụm từ mà các chuyên gia phân tích dùng để miêu tả cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine tại Kherson. Trong khi các lực lượng Ukraine tiến về thành phố chiến lược này, quân đội Nga tổ chức sơ tán dân thường khỏi đây. Kết quả của trận chiến ở Kherson sẽ là yếu tố quyết định trong những tháng tới.

Thành phố Kherson, nằm ở phía Nam Ukraine, là mục tiêu của Moscow và Kiev vì đây là một trung tâm công nghiệp chủ chốt, có sông và cảng lớn. Việc rút lui khỏi Kherson và các khu vực khác trên bờ Tây sông Dnepr có nghĩa là Nga sẽ không thể tấn công Mykolaiv và Odessa từ Kherson - ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Nếu giành được Odessa, Nga có thể cắt đứt đường tiếp cận của Ukraine với Biển Đen. Một động thái như vậy sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine. Điều này cũng sẽ cho phép Moscow xây dựng một hành lang đất liền tới khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi có một căn cứ quân sự lớn của Nga.

Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết: "Kherson là chìa khóa cho toàn bộ khu vực phía Nam, điều này sẽ cho phép Ukraine nhắm đến các tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga. Nga sẽ cố gắng giữ Kherson bằng mọi cách". Trong khi đó, đối với Ukraine, việc giành lại Kherson sẽ tạo tiền đề cho việc giành lại phần Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát và các khu vực khác ở phía Nam. Việc giành lại quyền kiểm soát Kherson cũng có nghĩa là Kiev có thể cắt nguồn cung cấp nước cho Crimea một lần nữa.

Binh lính Nga tại Kherson trong giai đoạn đầu của "chiến dịch quân sự đặc biệt". Ảnh: RIA Novosti

"Sau khi Ukraine giành lại được Kherson, Nga sẽ lại gặp vấn đề với nước ngọt ở Crimea", ông Oleh Zhdanov cho biết. Thật vậy, khu vực này có tuyến đường bộ duy nhất dẫn đến Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Chính phủ Ukraine đã đóng cửa một con kênh cung cấp nước từ sông Dnepr cho bán đảo. Nga đã nối lại việc cung cấp nước cho Crimea sau khi kiểm soát được Kherson.

Ukraine đã tấn công vào các tuyến tiếp tế dọc theo sông chiến lược Dnepr trong khi Nga gửi đến khu vực này tới 2.000 lính nghĩa vụ. Giới chức thân Nga ở vùng này cũng cho sơ tán hàng chục ngàn cư dân. Cụ thể, truyền thông Nga đưa tin Điện Kremlin đã bắt đầu sơ tán khoảng 60.000 dân thường và nhân viên hành chính từ các vùng lãnh thổ ở hữu ngạn sông Dnepr sang bờ bên kia. Không rõ có bao nhiêu người vẫn ở hữu ngạn con sông chiến lược này.

Theo chính phủ Ukraine, hơn 500.000 người đã rời khỏi khu vực kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2. Ông Joachim Krause, Giám đốc Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel (ISPK), nói rằng Nga có thể bắt buộc chuyển một phần dân cư sang Nga sau khi "thiết quân luật" được ban bố gần đây tại các vùng lãnh thổ mới sáp nhập.

"Không chắc những vùng lãnh thổ này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong bao lâu. Chúng ta có thể thấy chính quyền quân sự ở Kherson đang cố gắng sơ tán dân thường. Tôi cho rằng đây là động cơ thực sự", ông nhận định.

Do quân đội Ukraine đã nhắm mục tiêu vào một số cây cầu ở Kherson, phía Nga phải sử dụng phà và cầu phao để "sơ tán". Hôm 21/10, các lực lượng Ukraine liên tục pháo kích vào cầu Antonivsky, cầu lớn nhất ở Kherson và đóng vai trò quan trọng như giúp vượt sông, cung cấp nước ngọt và nguồn điện.

Các nguồn tin của Nga cho biết có 3 người thiệt mạng và một số người bị thương. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ cáo buộc của Moscow về việc có dân thường thiệt mạng. Đại tá và nhà sử học quân sự người Áo Markus Reisner cho rằng đây là một "tình huống quyết định trước mùa đông".

Ông gọi chiến dịch Kherson là "cuộc tấn công quan trọng nhất và mang tính quyết định" đối với Ukraine. Theo ông, quân đội Nga đã có thể vượt sông Dnepr ở giai đoạn đầu chiến dịch quân sự và lực lượng Nga cuối cùng có thể sử dụng khu vực này làm bàn đạp để tiến lên Odessa. Điều này sẽ giúp Nga kiểm soát hoàn toàn việc tiếp cận Biển Đen và biến Ukraine thành một quốc gia không giáp biển. Kiev muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá.

Dnepr là con sông lớn nhất và quan trọng nhất ở Ukraine. Con sông có chiều rộng trung bình hơn 2km, phân chia giữa Đông và Tây Ukraine, tạo thành một ranh giới tự nhiên. Đây cũng là nơi cung cấp năng lượng quan trọng, với nhiều nhà máy thủy điện có từ thời Liên Xô. Cho đến nay, quân đội Nga mới chỉ có thể vượt sông Dnepr ở phía Nam - xung quanh Kherson, nơi Moscow đã kiểm soát được. Nga kiểm soát Kherson ngay từ những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, kể từ tháng 2, quân đội Nga hầu như không tiến thêm. Quân đội Ukraine gần đây đã giải phóng một loạt thị trấn trong khu vực. Điều này được thực hiện nhờ các cuộc pháo kích có chủ đích vào các cây cầu trên sông Dnepr kể từ tháng 7. Cầu hư hỏng đã làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của Nga.

Ông Markus Reisner cho rằng có 2 dấu hiệu cho thấy Nga có thể từ bỏ Kherson: việc "sơ tán" dân thường và việc tái tập hợp quân sự đang được bàn tán trên mạng xã hội Nga. "Nếu chiến lược của Nga là củng cố một phòng tuyến vững chắc trước mùa đông, thì điều hợp lý là họ có thể từ bỏ bờ Tây và quay trở lại bờ Đông", ông nói. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, những phát biểu gần đây của Tướng Sergei Surovikin, Tư lệnh mới của Nga tại Ukraine, cho thấy Điện Kremlin có thể đang cân nhắc việc rút khỏi Kherson. Phát biểu trên truyền hình, Tướng Sergei Surovikin nói rằng tình hình "không dễ dàng" và ông không loại trừ "những quyết định khó khăn". Điều đó cho thấy có sự thay đổi trong lập trường của Điện Kremlin. Gần đây nhất, vào cuối tháng 9, New York Times đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối yêu cầu rút lui khỏi Kherson của quân đội.

Hiện tại, trong bối cảnh Nga chuẩn bị để bảo vệ Kherson có tầm quan trọng về mặt chiến lược và mang tính biểu tượng, có nhiều đồn đoán về những gì có thể xảy ra tại nhà máy thủy điện Kakhovka cách thượng nguồn sông Dnepr vài kilomet.

Tướng Sergei Surovikin cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa vào con đập. Kiev phủ nhận điều này, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga có thể cho nổ tung con đập. Ông đã cảnh báo về một "thảm họa quy mô lớn" nếu điều này xảy ra.

Khổng Hà (tổng hợp)

Thông tin “cô tiên” Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” khiến dư luận, cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ bởi trước đó, cô gái có gương mặt, dáng hình “chuẩn người mẫu” gắn với các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội... Vậy điều gì đã khiến cô gái này (cùng với 2 người nổi tiếng khác) có vết trượt bất ngờ, đau đớn đến vậy?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 32/2024 quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm những ngày qua đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ, thức tỉnh sâu sắc tới nhận thức và hành động của chúng ta bởi những hệ lụy của lãng phí gây ra đối với xã hội vô cùng lớn.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng các Tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án dừng thi công, chậm tiến độ, đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm.

Do muốn kiếm thêm tiền chơi chứng khoán, Dung đã đưa ra thông tin giả kêu gọi người đầu tư vào gói bảo hiểm đầu tư linh hoạt của Công ty Prudential Việt Nam. Với thủ đoạn giả lập phiếu thu tiền, Dung đã chiếm đoạt của người tham gia số tiền 1 tỷ 280 triệu đồng. 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước này sản xuất và cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, các hãng tin lớn của Mỹ đưa tin, trong một sự đảo ngược đáng kể trong chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Ukraine-Nga.

Chủ động nhận diện những diễn biến của tội phạm, đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các phương án, kế hoạch, Công an tỉnh Thái Bình được xem là "điểm sáng" trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đường phố thời gian qua. Những biện pháp, cách làm bài bản, có tính chiều sâu của Công an tỉnh Thái Bình đang ngày càng phát huy hiệu quả, củng cố và giữ gìn bình yên nơi mảnh đất quê lúa.

Chung cư Prosper Plaza tọa lạc tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, gồm có 3 tháp, 2 tầng hầm để xe (tầng hầm B1 là nơi để xe đạp, xe 2-3 bánh, xe thô sơ; tầng hầm B2 là nơi để xe ôtô) và 1.540 căn hộ + 75 căn thương mại (shophouse). Chung cứ có 1.615 hộ dân và hơn 3.000 cư dân đang sinh sống và làm việc.

Hôm nay (18/11), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chính thức khai mạc tại TP Rio de Janeiro (Brazil) và kéo dài đến hết ngày 19/11. Đây là một sự kiện quan trọng thu hút sự chú ý của cả thế giới, không chỉ bởi quy mô của nó mà còn vì tầm quan trọng của các vấn đề đang được thảo luận, trong đó nổi bật là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các sáng kiến phát triển bền vững.

Sau 3 năm triển khai Đề án 06, người đứng đầu ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết từng công việc, nhiệm vụ cụ thể để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giúp bức tranh chuyển đổi số ngày càng rõ nét và các vùng sáng được mở rộng.

Chỉ ra sân 3 trong số 8 trận đấu của Kuzeyboru từ tháng 9, phụ công Trần Thị Thanh Thúy đã chính thức nói lời chia tay với đội bóng chuyền Thổ Nhĩ Kỳ. Hành trình ngắn ngủi của Thanh Thúy tại châu Âu mang lại nhiều bài học quý giá cho chính cô cũng như bóng chuyền Việt Nam.

Giá nhà đất vượt quá xa thu nhập của người dân, khiến khả năng tiếp cận nhà ở của đại đa số lao động có mức thu nhập trung bình và thấp ngày càng khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thời gian qua, đã có hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文