Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh tại diễn đàn Shangri-La

08:10 03/06/2024

Theo đó, tại sự kiện an ninh thường niên lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mục tiêu của Washington là tái khẳng định vai trò dẫn đầu của mình trong giải quyết các vấn đề quốc phòng quan trọng, trong khi Bắc Kinh sử dụng diễn đàn này để nêu quan điểm với các đối tác của họ trong khu vực. Cả hai bên đều đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng với ASEAN.

Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 đã khép lại sau các phiên họp toàn thể với hàng loạt nội dung thảo luận thiết thực. Trong các nội dung đối thoại, phiên họp toàn thể thứ 5 về "Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu" cũng như phần hỏi đáp sau đó đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận.

Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân nêu bật quan điểm ủng hộ một thế giới đa cực, bình đẳng và trật tự; coi trọng hòa bình và hòa hợp. Ông nhấn mạnh, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia trong khu vực.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, chính sách "Một Trung Quốc", cam kết thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); cam kết theo đuổi an ninh chung trong giải quyết các cuộc khủng hoảng Ukraine, Israel-Palestine, bán đảo Triều Tiên, Afghanistan, Myanmar.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua đối thoại và tham vấn, bác bỏ mọi nỗ lực phá hoại sự ổn định của khu vực; nêu bật nhu cầu về một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn, tăng cường vai trò của Liên hợp quốc và thúc đẩy hợp tác quốc phòng cởi mở và thực chất.

Ông đồng thời khẳng định tầm nhìn của Trung Quốc về một tương lai hòa bình và toàn diện trong khu vực thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, với cam kết thúc đẩy quyền bình đẳng và cơ hội cho tất cả các quốc gia và giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế một cách hòa bình.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các nước cần bảo vệ lợi ích an ninh kỹ thuật số của tất cả các quốc gia; xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn; phát huy đầy đủ cấu trúc an ninh khu vực, trong đó khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng với ASEAN.

Theo giới chuyên gia, Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn quốc tế quan trọng để Trung Quốc nêu quan điểm với các đối tác của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "Tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh rõ ràng đang thúc đẩy nước này bảo vệ những thành tựu của mình đồng thời tìm kiếm những cơ hội mới mà trước đây ngoài tầm với", chuyên gia Alexander Mokretsky, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm "Nga, Trung Quốc, Thế giới" tại Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định.

Trong khi đó, Giáo sư Saeed Khan của Đại học bang Wayne ở Detroit bình luậnt rằng, mục tiêu chính của Mỹ tại sự kiện này là tái khẳng định vai trò dẫn đầu của mình trong việc giải quyết các vấn đề quốc phòng quan trọng. Mỹ cũng có thể yêu cầu các đồng minh châu Á hỗ trợ hành động của mình ở Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, phương Tây vẫn chưa thành công lắm trong việc thuyết phục các nước châu Á khi chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore - các quốc gia thân Mỹ - đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vào thời điểm này.

Một tâm điểm chú ý khác trong ngày làm việc cuối cùng của Đối thoại Shangri-La là sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và bài phát biểu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia châu Á của ông. Bắt đầu bài phát biểu, nhà lãnh đạo này đã hệ thống lại các cột mốc lịch sử ngoại giao giữa Nga và Ukraine trong những năm qua, trong đó có cả việc Kiev từ bỏ và bàn giao kho vũ khí hạt nhân cho Moscow.

Cho rằng Nga đang muốn xóa Ukraine khỏi bản đồ chính trị thế giới, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, Moscow đang cố phá vỡ các nỗ lực hòa bình. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng, thế giới của chúng ta muốn đoàn kết và có khả năng hành động hoàn toàn hài hòa. Ngoại giao sẽ có hiệu quả khi nó thực sự nhằm mục đích bảo vệ mạng sống của con người".

Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình được tổ chức tại Thụy Sĩ trong các ngày 15-16/6 với mục tiêu tạo đồng thuận chung về những bước đi tiếp theo nhằm đạt được hoà bình ở Ukraine, nhằm chuyển tải thông điệp đó đến Nga.

Ông nhấn mạnh sự tham gia của các nước ASEAN sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời lưu ý rằng, việc các nước hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột cho thấy cộng đồng quốc tế đề cao trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng mạng sống của con người. Tuy nhiên, ông bày tỏ thất vọng khi lãnh đạo một số nước vẫn chưa xác nhận có tham dự sự kiện hay không. Ông nhấn mạnh: "Càng nhiều nước tham gia thì khả năng Nga phải lắng nghe càng cao".

Nga không nhận được lời mời tham dự hội nghị này, Mỹ chưa xác nhận Tổng thống Joe Biden có tham gia hay không trong khi Trung Quốc đã xác nhận không tham gia. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2/6, Bộ trưởng Đổng Quân cho biết Trung Quốc đã thận trọng không hỗ trợ Nga hay Ukraine, đồng thời khẳng định Bắc Kinh luôn thúc đẩy các cuộc hòa đàm với thái độ có trách nhiệm.

Ông cũng bác bỏ thông tin sai lệch về việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho các bên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine: "Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột. Chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các mặt hàng có công dụng kép và chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để khơi dậy ngọn lửa. Chúng tôi kiên quyết đứng về phía hòa bình và đối thoại".

Nước chủ nhà Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 cũng chưa xác nhận có cử đại diện sang Thụy Sĩ dự Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình về Ukraine hay không, nhưng nhấn mạnh họ đã lên án cuộc chiến cũng như viện trợ xe cứu thương cho Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nêu rõ: "Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine. Sự xuất hiện của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại đây minh chứng cho điều chúng ta mong đợi, đó là một trật tự dựa trên luật lệ giúp đảm bảo tất cả quốc gia bất kể lớn nhỏ được tồn tại và an toàn".

Khổng Hà (tổng hợp)

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文