Nga bắn siêu tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới
Quân đội Nga thông báo bắn thử thành công mẫu siêu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (ICBM) Sarmat RS-28 mạnh nhất thế giới, giữa lúc chiến sự Ukraine diễn ra căng thẳng.
Thông tấn Nga TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một quả ICBM Sarmat RS-28 đã được khai hỏa thành công từ silo ngầm đặt tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở tỉnh Arkhangelsk vào chiều 20/4 (giờ địa phương) đến mục tiêu giả định trên bãi thử Kura nằm ở bán đảo Kamchatka.
"Mọi nhiệm vụ đặt ra cho vụ phóng đã hoàn thành đầy đủ. Tính năng thiết kế được xác nhận ở mọi giai đoạn bay của tên lửa", quân đội Nga tuyên bố. Quãng đường từ Plesetsk đến Kura dài khoảng gần 6.000km. Các thông tin chi tiết khác về vụ phóng không được thông báo.
Theo TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng quân đội nước này sau khi quả Sarmat đầu tiên được phóng thử thành công. "Tổ hợp mới này có năng lực tác chiến cao và khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất", ông Putin nhấn mạnh.
RiaNovosti nói rằng đây là vụ phóng thử đầu tiên của mẫu Sarmat trong chương trình thử nghiệm cấp Nhà nước, cấp cuối cùng trước khi chính thức được đưa vào hoạt động. Nga dự kiến biên chế những quả tên lửa loại này cho trung đoàn tên lửa chiến lược Uzhur gần vùng Krasnoyarsk.
RS-28 Sarmat là hệ thống ICBM hiện đại nhất của Nga, được triển khai trong các hầm phóng silo mặt đất. Tên lửa dài hơn 35m, nặng 208 tấn, trong đó khoảng 180 tấn là nhiên liệu lỏng, đạt tầm bắn 18.000km, đủ sức cõng khối đầu đạn nặng 10 tấn, lớn nhất thế giới.
Với tầm bắn xa và hành trình bay phức tạp, Sarmat gần như không thể đánh chặn ở các pha bay đầu tiên. Izvestia nói rằng tên lửa cũng được trang bị mồi bẫy, hệ thống gây nhiễu và một số thiết bị đặc biệt khác để đảm bảo khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ đa tầng của đối phương.
Theo truyền thông Nga, khi đạt độ cao thiết kế, phần đầu đạn mẹ trên Sarmat sẽ giải phóng 10-15 thiết bị hồi quyển độc lập (MIRV) mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard có tốc độ Mach 27, tức gấp 27 lần vận tốc âm thanh, để chúng lao về phía mục tiêu.
Chưa rõ sức công phá của đầu đạn trên Sarmat, song nó được cho là rất uy lực, có thể xóa sổ một quốc gia nhỏ chỉ với một quả tên lửa duy nhất. Để so sánh, thế hệ tên lửa tiền nhiệm R-36 Satan có thể mang 10-15 MIRV sức công phá từ 550–750 kiloton mỗi đầu đạn (gấp 36-50 lần quả bom thả xuống Hirosima).
Vụ phóng thử lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang do tình hình chiến sự ở Ukraine. Quân đội Nga khẳng định những mẫu tên lửa như Sarmat giúp nước này đảm bảo khả năng răn đe trước mọi nguy cơ bị tấn công.