Nga lên lịch triển khai siêu tên lửa giữa lúc chiến sự căng thẳng
Nga có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới được thử nghiệm của nước này có tên Sarmat muộn nhất vào mùa thu năm nay.
Thông tin này được Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, đưa ra ngày 23/4.
Nga lần đầu thông báo về việc phóng thử tên lửa Sarmat hôm 20/4 vừa qua. Các chuyên gia phương Tây cho rằng sẽ cần thêm thời gian để tên lửa này có thể được sử dụng trong thực tiễn.
Ông Rogozin cho biết việc phóng thử “siêu vũ khí” của Nga là một sự kiện lịch sử, sẽ “đảm bảo an ninh cho thế hệ mai sau của Nga trong vòng 30-40 năm tới”.
Các tên lửa sẽ được triển khai tại khu vực Krasnoyarsk của Siberia, cách Moscow khoảng 3.000 km về phía Đông, và được đặt tại cùng địa điểm, trong cùng hầm chứa tên lửa Voyevoda từ thời Liên Xô.
Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Nga trong tuần này đánh dấu sự phô trương sức mạnh từ phía Moscow vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Mỹ và các đồng minh xung quanh cuộc chiến ở Ukraine.
Phạm vi hoạt động của Sarmat, theo một số chuyên gia là lên đến 35.000 km, cho phép tên lửa này tấn công được những mục tiêu tầm xa, vượt qua các hệ thống phòng thử tên lửa và radar, tấn công từ một hướng bất ngờ. Một tên lửa Sarmat có thể mang tới 15 đầu đạn hạt nhân.
Sau cuộc phóng thử hôm 20/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tên lửa Sarmat có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ nào và khiến bất kỳ nước nào có ý định đe dọa đến Nga phải suy nghĩ lại.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng này cảnh báo nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh đến khu vực Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Lầu Năm Góc coi vụ thử Sarmat là một hoạt động “bình thường” và cho biết đây không phải là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ.
Vào tháng 3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo viễn cảnh xung đột hạt nhân, một điều trước đây vốn khó xảy ra, nhưng giờ lại đang hiện hữu hơn bao giờ hết.