Nga thà giảm sản lượng chứ không bán dầu bị ép giá
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 4/12, sau khi phương Tây áp dụng mức giá trần đối với mặt hàng dầu mỏ xuất khẩu của Moscow.
Ông Alexander Novak, người đồng thời phụ trách vấn đề năng lượng của Nga, cũng khẳng định Moscow “đang nghiên cứu các cơ chế để cấm áp dụng việc áp trần giá bởi vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường”.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngày 4/12 nhất trí không thay đổi các chính sách hiện hành liên quan đến sản lượng dầu sau khi G7 và Liên minh châu Âu áp dụng mức giá sàn với dầu mỏ xuất khẩu của Nga.
OPEC+, các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, hồi tháng 10 đã có động thái khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác “nóng mặt” khi đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới từ tháng 11 đến hết năm 2023.
Washington cáo buộc OPEC+ và một trong những nước chủ chốt của nhóm, Arab Saudi, đứng về phía Nga bất chấp cuộc chiến tại Ukraine. OPEC+ cho biết họ cắt giảm sản lượng vì triển vọng kinh tế yếu.
Ngày 2/12, các quốc gia G7 và Australia, Liên minh châu Âu đã đồng ý áp mức trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, một động thái nhằm tước đi doanh thu của nước này dù vẫn giữ cho mặt hàng dầu mỏ của Moscow được vận chuyển toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích và các bộ trưởng của OPEC cho rằng mức giá trần là một động thái khó hiểu và có thể không hiệu quả vì Moscow trong thời gian qua bán phần lớn dầu cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước không liên quan gì đến thỏa thuận nói trên của G7 hay Liên minh châu Âu.
Các số nguồn tin cho biết cuộc họp của OPEC ngày 3/12 và cuộc họp của OPEC+ sau đó đều không thảo luận vấn đề phương Tây áp giá trần với dầu của Nga.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng nhấn mạnh việc áp giá trần có thể ảnh hưởng đến các nước sản xuất dầu khác. Mỹ khẳng định biện pháp này không nhằm vào OPEC.