Nga và Ukraine đồng loạt tập kích nhiều kho vũ khí khủng của đối phương

14:31 22/09/2024

Trong khi Nga tiến hành tấn công các kho vũ khí chứa tên lửa tầm xa của Ukraine và tập kích một tàu chở tên lửa, đạn dược mà phương Tây cung cấp cho nước này, phía Ukraine cũng cho biết đã phá hủy hai kho vũ khí khủng bên trong lãnh thổ Nga. 

TASS ngày 22/9 dẫn thông tin từ điều phối viên mạng lưới ngầm thân Nga Sergei Lebedev tại Nikolaev (còn gọi là Mykolaiv) cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã tấn công đồng loạt các kho quân sự cất giữ tên lửa tầm xa ở thành phố Lubny thuộc tỉnh Poltava của Ukraine.

Lực lượng Nga cũng tấn công bằng vũ khí có độ chính xác cao và UAV vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine liên kết với khu phức hợp công nghiệp quốc phòng, cũng như các xưởng sản xuất UAV và khu vực triển khai quân sự như Kharkov, Dnepropetrovsk, Poltava, Sumy, Krivoy Rog và một số thành phố khác.

Một kho đạn dược của Nga ở khu vực phía Tây Tver gần Toropets bị UAV Ukraine tấn công. Ảnh: DW

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga thông tin, máy bay chiến đấu, UAV, tên lửa và lực lượng pháo binh của Nga đã tập kích một tàu chở tên lửa, đạn dược do phương Tây cung cấp cho Kiev. Phía Nga không nêu rõ con tàu bị hư hỏng nặng như thế nào hoặc vụ tấn công diễn ra ở đâu, nhưng theo các chuyên gia, Ukraine chủ yếu dựa vào các tuyến đường thủy trên biển Đen và trên sông Danube để tiếp nhận các lô hàng trên biển.

Các nước phương Tây đã tăng cường viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Còn các quan chức Nga cảnh báo rằng bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công của Nga, đồng thời khẳng định quân đội Nga không bao giờ nhắm mục tiêu vào dân thường.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine sẽ thay đổi bản chất của nó và Nga sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên các mối đe dọa tạo ra cho mình. Moscow tin rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ cản trở một giải pháp hòa bình và dẫn đến sự tham gia trực tiếp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột.

Một cuộc tập kích tên lửa của Nga trên chiến trường. Ảnh: Sputnik

Về phía Ukraine, Kyiv Independent ngày 22/9 cho hay, lực lượng của nước này đã tấn công hai kho vũ khí Nga ở khu vực Krasnodar phía Nam và Tver phía Tây, khiến Moscow phải tuyên bố sơ tán khoảng 1.200 người. 

Kiev tuyên bố, kho đạn gần thành phố Tikhoretsk ở Krasnodar là 1 trong 3 căn cứ chứa đạn dược lớn nhất của Moscow chứa khoảng 2.000 tấn vũ khí. Kho đạn này nằm cách tiền tuyến hơn 300km và được cho là chứa đạn cối, tên lửa pháo và tên lửa đạn đạo tầm xa, có khả năng bao gồm cả tên lửa Iskander do Nga sản xuất. 

Ukraine thường tấn công cơ sở hạ tầng trong lãnh thổ Nga bằng UAV nội địa trong bối cảnh bị phương Tây cấm sử dụng vũ khí viện trợ để thực hiện các vụ tập kích như vậy.

Cách đó vài ngày, Ukraine cũng tuyên bố tấn công vào kho đạn lớn của Nga ở Toropets. Theo Forbes, cả hai vụ tấn công vào Toropets và Tikhoretsk đều đủ lớn để tạo ra được hai vụ động đất cỡ nhỏ. Forbes nhận định, các cuộc đột kích kho đạn dược liên tiếp báo hiệu sự thay đổi trong chiến dịch tấn công sâu của Ukraine nhắm vào các mục tiêu chiến lược bên trong nước Nga.

Được biết, trong khuôn khổ lịch trình tới Mỹ để dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong ngày 22/9 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky sẽ đến thăm nhà máy đạn dược Scranton ở Pennsylvania (Mỹ) nơi đang sản xuất một trong những loại đạn dược để cung cấp cho Kiev. Nhà máy Scranton là một trong số ít cơ sở của Mỹ sản xuất đạn pháo 155mm, loại có thể tấn công mục tiêu cách 24 - 32km. Ukraine đã nhận được hơn 3 triệu quả đạn pháo 155mm từ Mỹ.

Khi cuộc xung đột với Nga đã bước sang năm thứ 3, ông Zelensky đang thúc giục Mỹ cho phép sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa để bắn sâu hơn vào bên trong nước Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà lãnh đạo Ukraine vẫn chưa thuyết phục được Lầu Năm Góc hoặc Nhà Trắng cho phép làm điều đó.

Kim Khánh

Ngày 26/9, đại diện Công đoàn các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Phước cho biết, ngay sau khi nắm bắt được sự việc, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các KCN nhanh chóng hỗ trợ người lao động các thủ tục pháp lý gửi đến cơ quan chức năng để hỗ trợ công nhân đòi quyền lợi.

Ngày 26/9, Công an TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết đã triệt phá thành công chuyên án ma tuý, bắt giữ “nữ hoàng” ma tuý hồng phiến cùng 4 đối tượng có liên quan, thu giữ lượng lớn ma tuý hồng phiến.

“Khi nhận được thông tin và biết mình có cùng nhóm máu có thể hiến, tôi và anh Sơn không chút chần chừ, để có mặt hiến máu giúp đỡ bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng, là tôi, hay bất kỳ ai trong tình huống đó cũng sẽ hành động như chúng tôi mà thôi…” – Đó là những lời chia sẻ của Thượng úy Mai Đức Lộc, cán bộ Đội An ninh Công an TP Sơn La trong một lần tham gia hiến máu cứu người qua cơn nguy kịch.

Nghiên cứu tại nhiều địa phương ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn...

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文