Nguồn vũ khí dồi dào của các băng đảng Haiti có nguồn gốc từ đâu?
Hoạt động buôn bán bất hợp pháp vũ khí giúp cho các băng đảng tại Haiti có kho vũ khí khổng lồ, thậm chí còn áp đảo của lực lượng đảm bảo an ninh tại nước này.
Hình ảnh các thành viên băng đảng mang súng trường cỡ lớn hay vũ khí tự động trên đường phố đã trở nên phổ biến tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti, tuy nhiên, những loại vũ khí này không được sản xuất ở Haiti, một quốc gia không có khả năng sản xuất súng và đạn dược.
Một báo cáo được Ủy ban giải trừ quân bị của Haiti công bố năm 2020 ước tính rằng nước này có đến 500.000 vũ khí nhỏ, trong đó chỉ có 38.000 khẩu được đăng ký hợp pháp. Con số này hiện nay có thể còn cao hơn do những hoạt động buôn lậu nở rộ trong thời gian qua.
Robert Muggah, chuyên gia tại Viện nghiên cứu bảo mật Igarapé của Brazil, cho biết phần lớn số vũ khí này có được là nhờ những “người mua thế thân” ở Mỹ, hay những người mua vũ khí thay mặt cho những kẻ buôn lậu. Những vũ khí này phần lớn được mua ở các bang có quy định súng yếu kém và có thể dễ dàng chuyển đến Haiti, như Florida, Arizona, Texas và Georgia.
“Việc tiếp cận dễ dàng vũ khí từ Mỹ là một trong nhiều yếu tố khiến tình hình bất ổn ở Haiti trở nên sâu sắc hơn. Kho súng trường, súng ngắn và đạn dược công suất lớn dồi dào góp phần khuếch đại đáng kể sức mạnh của các băng nhóm tội phạm, những kẻ dễ dàng đánh bại lực lượng cảnh sát quốc gia có nguồn lực kém hơn hẳn tại Haiti”, ông Muggah nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng tại Mỹ trong thời gian qua đã phát hiện nhiều kho vũ khí bị tình nghi có thể được chuyển đến Haiti, sau lần theo dấu vết mua hàng tại một số cửa hàng súng ở các thành phố Miami, Orlando và Pompano Beach của Florida.
Một trong những lý do khiến nhiều vũ khí được tuồn trót lọt là khối lượng hàng hóa khổng lồ di chuyển qua biên giới và khó khăn trong việc sàng lọc kỹ lưỡng từng lô hàng. Hơn nữa, lực lượng hải quan và kiểm soát biên giới của Haiti cũng không đủ nguồn lực để kiểm soát hàng hóa. Một báo cáo gần đây do Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm công bố cho thấy đơn vị tuần tra biên giới của cảnh sát quốc gia Haiti chỉ có 294 sĩ quan, trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển nước này chỉ có 181 nhân viên và một tàu hoạt động duy nhất. Haiti có đến 1.770km đường bờ biển và 392km biên giới đất liền với Cộng hòa Dominica.
Chính những sự yếu kém này góp phần gia tăng các tuyến đường buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Theo một số báo cáo gần đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các tuyến buôn lậu chủ yếu từ Florida của Mỹ đến Port-au-Prince và đến các thành phố phía Bắc Port-de-Paix và Cap-Haïtien, bên cạnh đó còn có tuyến buôn lậu đường bộ qua biên giới với Cộng hòa Dominica.
Liên hợp quốc cũng cảnh báo rằng có tới 30 máy bay tư nhân đã đăng ký của Mỹ đang hoạt động tại Haiti, rất khó theo dõi những máy bay này nếu chúng chỉ bay ở độ cao dưới 6.000 m, do quy định của Cơ quan quản lý hàng không Mỹ về việc máy bay bay ở độ cao này sẽ không cần lịch trình chính thức.