Nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc "hiến kế" điều tra nguồn gốc COVID-19 giai đoạn hai
Một nhà khoa học hàng đầu từng dẫn đầu nhóm Trung Quốc trong cuộc điều tra của WHO về nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán cho biết các chuyên gia cũ nên tham gia vào giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu và nước chủ nhà phải có tiếng nói trong việc lựa chọn người tham gia sứ mệnh này.
Lương Vạn Niên, chuyên gia chủ chốt của phía Trung Quốc trong cuộc điều tra chung với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đầu năm nay cho biết việc các nhà khoa học quốc tế mới được lựa chọn từ nhóm cũ “sẽ đảm bảo tính chuyên nghiệp và tiếp nối”.
"Tôi nghĩ WHO nên nhận thức đầy đủ về điều này từ quan điểm khoa học", vị giáo sư Trường Y tế Công cộng Vanke thuộc Đại học Thanh Hoa nhận định.
Ông Lương cho biết nước chủ nhà của giai đoạn hai cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 phải tham gia vào việc quyết định những ai tham gia sứ mệnh này.
"Để hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của quốc gia tiếp theo tiến hành cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, thành viên của nhóm chuyên gia cần được thống nhất giữa nước chủ nhà và WHO. Trưởng nhóm chuyên gia nên là chuyên gia kỹ thuật. hoặc quan chức của Ban Thư ký WHO và một chuyên gia do nước sở tại đề nghị", ông Lương Vạn Niên đưa ra ý kiến.
Giáo sư Lương không đề cập đến việc liệu Trung Quốc có đề cử ai tham gia sứ mệnh mới hay không, nhưng nói rằng quá trình lựa chọn nhóm chuyên gia của WHO cần có sự đồng ý của các quốc gia thành viên và cần tuân theo các quy định.
Bnìh luận trên được đưa ra sau khi Trung Quốc lên tiếng từ chối đề xuất của WHO đưa ra vào tháng trước nhằm tiến hành các bước nghiên cứu tiếp theo về nguồn gốc đại dịch. Kế hoạch này bao gồm "kiểm tra các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu hoạt động trong khu vực phát hiện các ca nhiễm đầu tiên ở người vào tháng 12/2019" - đối chiếu vơ giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Đề xuất của WHO cũng kêu gọi "các cuộc điều tra về chợ động vật trong và xung quanh Vũ Hán, bao gồm cả việc tiếp tục nghiên cứu về những động vật được bán tại khu chợ Hoa Nam".
Sau khi nhóm chuyên gia đến Vũ Hán vào tháng 1 năm nay và tiến hành cuộc điều tra kéo dài 4 tuần, họ kết luận rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra" và Bắc Kinh nói không nên điều tra thêm về việc này trừ khi có chứng cứ mới. Trung Quốc cũng muốn chuyển trọng tâm của cuộc điều tra sang các quốc gia khác.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc COVID-19. Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các cơ quan tình báo Mỹ tăng gấp đôi nỗ lực để điều tra nguồn gốc virus, bao gồm cả việc liệu virus có phải bị rò rỉ do một tai nạn trong phòng thí nghiệm hay không - và báo cáo lại cho ông sau 90 ngày.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng trước cho biết thế giới cần một "khung điều tra ổn định và dễ dự đoán hơn" để nghiên cứu nguồn gốc của các mầm bệnh mới có khả năng gây dịch hoặc đại dịch.