Nhiều nước châu Âu phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron cực kỳ nguy hiểm

08:24 28/11/2021

Anh, Đức và Italy mới đây công bố phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron mới, trong khi đó, nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại từ các nước ở phía Nam châu Phi bất chấp sự phản đối và lời khuyên từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nam Phi cho rằng họ đang bị "trừng phạt" vì phát hiện ra biến thể này quá sớm. Ảnh minh họa Reuters. 

Biến thể Omicron, được WHO chỉ định là “biến thể đáng quan ngại”, có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó, mặc dù các chuyên gia vẫn chưa biết liệu biến thể này có gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với các chủng khác hay không.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở Anh ngày 27/11 có liên quan đến chuyến du lịch đến phía Nam châu Phi.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vạch ra các biện pháp bao gồm các quy định kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với những người đến nước này nhưng không đưa ra hạn chế gì về các hoạt động xã hội ngoài việc yêu cầu đeo khẩu trang ở một số nơi.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu bất kỳ ai nhập cảnh vào Anh làm xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi họ đến và tự cách ly cho đến khi họ có kết quả âm tính”, ông Johnson cho biết trong một cuộc họp báo. Những người tiếp xúc với các ca nghi ngờ dương tính với biến thể Omicron sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế bang Bavaria của Đức cũng đã công bố hai trường hợp được xác nhận là nhiễm biến thể này. Hai người nhiễm đã nhập cảnh vào Đức tại sân bay Munich vào ngày 24/11, trước khi Đức chỉ định Nam Phi là khu vực có biến thể virus và hiện đang bị cách ly. Không rõ hai trường hợp này có phải đến từ Nam Phi hay không.

Tại Italy, Viện Y tế Quốc gia cho biết một trường hợp nhiễm biến thể mới đã được phát hiện ở Milan, đó là một người đến từ Mozambique.

Cơ quan y tế CH Czech cũng cho biết họ đang kiểm tra một trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thể này ở một người từng sống ở Namibia.

Trong khi đó, các cơ quan y tế Hà Lan cho biết ca nhiễm biến thể Omicron “có khả năng” nằm trong số 61 hành khách đến nước này trên hai chuyến bay từ Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Biến thể Omicron, có một số đột biến làm tăng nguy cơ tái nhiễm, lần đầu tiên được các nhà khoa học ở Nam Phi phát hiện và sau đó là ở Bỉ, Botswana, Israel và Hong Kong (Trung Quốc).

WHO đã cảnh báo rằng có thể mất vài tuần để tìm hiểu về biến thể mới này. Và mặc dù các nhà dịch tễ học nhấn mạnh rằng việc hạn chế đi lại có thể là quá muộn để ngăn chặn Omicron lưu hành trên toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới - bao gồm Mỹ, Brazil, Canada và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu - đã công bố lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại từ phía Nam châu Phi vào ngày 26/11.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/11 đã bổ sung các hạn chế đi lại, được thông báo trước đó của Washington, đối với 8 quốc gia nam châu Phi.

Cũng trong ngày 27/11, Australia cho biết họ sẽ cấm những người không phải là công dân đã ở 9 quốc gia phía Nam châu Phi nhập cảnh và sẽ yêu cầu giám sát cách ly 14 ngày đối với những công dân Australia trở về từ đó.

Anh cho biết họ đang mở rộng “danh sách đỏ” cấm đi lại đối với nhiều quốc gia ở phía Nam châu Phi, trong khi Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Oman, Kuwait và Hungary đã công bố các biện pháp tương tự

Tại Nam Phi, ngày càng có nhiều lo ngại về việc hạn chế đi lại sẽ làm tổn hại đến du lịch và các lĩnh vực khác của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch của quốc gia này. Các quan chức và nhà khoa học nước này đã chỉ trích và cho rằng các biện pháp này là không hợp lý.

Trong một tuyên bố ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết nhiều quốc gia cấm các chuyến bay từ phía Nam châu Phi sau khi phát hiện ra biến thể “giống như trừng phạt Nam Phi vì tìm ra được biến thể này quá nhanh”.

Tiến Dũng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文