Những nét chính trong "Kế hoạch Chiến thắng" của Tổng thống Ukraine

08:01 21/10/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16/10 đã trình bày bản "Kế hoạch Chiến thắng" trước Quốc hội nước này. Kế hoạch này bao gồm năm điểm chính và ba điểm "bí mật", chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định, tập trung vào các mục tiêu an ninh quốc gia, viện trợ quốc tế, kinh tế và xây dựng một hệ thống an ninh hậu chiến. Việc công bố kế hoạch này không chỉ thể hiện quyết tâm của Zelensky mà còn mang lại nhiều thông điệp sâu sắc tới quốc tế.

Một trong những điểm nổi bật nhất trong "Kế hoạch Chiến thắng" của Tổng thống Volodymyr Zelensky là lời kêu gọi mời Ukraine gia nhập NATO vô điều kiện và ngay lập tức. Dù không phải là thành viên chính thức ngay lập tức, nhưng việc này mang tính biểu tượng mạnh mẽ, gửi một thông điệp rõ ràng đến Nga rằng, Ukraine sẽ không đứng đơn độc trong cuộc chiến này. Ông nhấn mạnh, mặc dù Ukraine chưa nhận được lời mời chính thức, nhưng một lời mời gia nhập NATO sẽ làm lung lay những toan tính địa chính trị của người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đây là bước đi quan trọng không chỉ đối với an ninh quốc gia của Ukraine mà còn giúp củng cố hệ thống an ninh châu Âu trước các mối đe dọa từ Nga.

Việc Ukraine gia nhập NATO không chỉ đơn thuần là vấn đề an ninh quân sự mà còn là bước tiến lớn trong việc củng cố địa vị của Ukraine trên trường quốc tế. Zelensky đã đưa ra lý luận rằng, Ukraine đã chứng minh khả năng bảo vệ lối sống dân chủ của mình và với sự hỗ trợ của NATO, quốc gia này có thể tiếp tục chiến đấu và bảo vệ châu Âu khỏi sự bành trướng của Nga. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự thống nhất và quyết tâm từ các quốc gia thành viên NATO, một điều mà hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi và do dự từ một số nước.

Nội dung tiếp theo đề cập tới khả năng tự vệ của Ukraine phải được "tăng cường theo cách không thể đảo ngược". Tổng thống Volodymyr Zelensky gợi ý một số cách để thực hiện mục tiêu này, bao gồm việc tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường năng lực phòng không, xóa bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu sâu bên trong Nga và tiếp tục các hoạt động quân sự của Ukraine trên lãnh thổ Nga. Các đề xuất này được đưa ra khi Ukraine đang phải đối mặt với những thất bại ở tiền tuyến phía Đông, với việc Nga tuyên bố có những bước tiến gia tăng ở khu vực Donetsk và tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Joe Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng.

Ukraine đang tập trung chuẩn bị cho mùa Đông, khi nước này phải đối mặt với các cuộc tấn công mới của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của mình. Ông Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi "các hoạt động phòng thủ chung với các nước láng giềng ở châu Âu để bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trong phạm vi lá chắn không quân của các đối tác của chúng ta". Tuy nhiên, hồi tháng 7, Tổng Thư ký NATO khi đó là Jens Stoltenberg đã từng "giội gáo nước lạnh" vào ý tưởng đó, nói rằng, khối này sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Ông Volodymyr Zelensky nhắc lại trong bài phát biểu công bố kế hoạch rằng Ukraine sẽ không chấp nhận "đóng băng" hoặc nhượng bộ "trao đổi lãnh thổ hoặc chủ quyền của Ukraine".

"Kế hoạch Chiến thắng" của Tổng thống Ukraine không chỉ dừng lại ở việc nhận thêm viện trợ quân sự mà còn yêu cầu các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các giới hạn hiện có đối với việc sử dụng vũ khí của Kiev. Cụ thể, ông kêu gọi các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga nhằm ngăn chặn Moscow tái tập hợp lực lượng. Điều này không chỉ mang tính chiến lược trong việc bảo vệ lãnh thổ mà còn nhằm mục đích đẩy cuộc chiến gần hơn về phía Nga, thay vì chỉ giới hạn ở biên giới Ukraine.

Tổng thống Volodymyr nhấn mạnh rằng, những hành động tấn công vào các khu vực như Kursk của Nga trong quá khứ đã chứng minh rằng Quân đội Nga không đủ sức mạnh để đối phó khi Ukraine tấn công mạnh mẽ. Việc này giúp làm suy yếu khả năng tấn công của Nga và buộc Moscow phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình. Tổng thống Volodymyr Zelensky nêu rõ: "Ukraine đề xuất đặt trên lãnh thổ của mình một hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện, đủ sức bảo vệ Ukraine trước mọi mối đe dọa quân sự từ Nga".

Nhà lãnh đạo này lập luận rằng, một biện pháp răn đe mạnh mẽ sẽ buộc Nga phải "tham gia một tiến trình ngoại giao trung thực để đưa chiến tranh đến hồi kết công bằng", nếu không sẽ chắc chắn thua trong cuộc chiến. Tuy nhiên, việc mở rộng chiến tranh ra ngoài lãnh thổ Ukraine có thể gây ra lo ngại cho các đồng minh phương Tây rằng, điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn và vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát.

Một điểm không thể bỏ qua trong kế hoạch của Tổng thống Volodymyr Zelensky là việc phát triển tiềm năng kinh tế của Ukraine thông qua việc hợp tác với phương Tây trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các tài nguyên quan trọng như lithium, titanium và uranium của Ukraine có thể trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế của quốc gia này sau chiến tranh. Việc hợp tác với EU và Mỹ trong lĩnh vực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Ukraine mà còn giúp các quốc gia phương Tây đa dạng hóa nguồn cung cấp tài nguyên, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.

Ngoài ra, ông Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt quốc tế mạnh mẽ hơn đối với Nga nhằm làm suy yếu khả năng duy trì cuộc chiến của Moscow. Việc này không chỉ nhằm mục tiêu làm giảm bớt áp lực từ các cuộc tấn công quân sự mà còn nhằm phá vỡ nền kinh tế của Nga, buộc nước này phải từ bỏ cuộc xung đột.

Và cuối cùng, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề xuất một kiến trúc an ninh hậu chiến, trong đó, Ukraine sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ châu Âu. Ông cho rằng, sau khi chiến tranh kết thúc, Quân đội Ukraine, với kinh nghiệm chiến đấu thực tế và lòng kiên cường, có thể thay thế một số lực lượng Quân đội Mỹ đang đóng tại châu Âu. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho Mỹ mà còn củng cố vai trò của Ukraine như một đối tác chiến lược quan trọng của phương Tây. Ông khẳng định rằng, nếu Nga đạt được các mục tiêu chiến lược hiện tại, điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia khác, khuyến khích họ sử dụng chiến tranh như một công cụ chính trị. Do đó, việc Ukraine giành chiến thắng không chỉ quan trọng đối với quốc gia này mà còn có tác động lớn đến tình hình an ninh toàn cầu.

Sau hai năm rưỡi xung đột, "Kế hoạch Chiến thắng" của ông Volodymyr Zelensky được kỳ vọng có thể thuyết phục công chúng Ukraine rằng giao tranh có thể sớm kết thúc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân Ukraine tiếp tục đoàn kết khi những thách thức trên chiến trường ngày càng chồng chất.

"Chúng ta đã và đang đạt được kết quả nhờ vào sự đoàn kết của mình. Do đó, xin đừng đánh mất sự đoàn kết", ông nói. Tuy nhiên, Ukraine đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên chiến trường, cũng như một tương lai không chắc chắn khi cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới có thể đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Cựu tổng thống đảng Cộng hòa đã cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột trước khi nhậm chức nếu ông thắng cử, một ý tưởng mà những người ủng hộ Kiev lo ngại có thể buộc Ukraine phải nhượng bộ với Nga.

Hồi cuối tháng 9, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden, đồng minh chủ chốt của Kiev, tại Washington để trình bày "Kế hoạch Chiến thắng". Trong chuyến công du chớp nhoáng sau đó đến châu Âu, ông cũng đã gặp các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Italy và Đức để thảo luận về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đã trình bày kế hoạch của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels, hôm 17/10 vừa qua.

Khổng Hà (tổng hợp)

Cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù mang đậm tính nhân văn, thực sự trở thành “điểm tựa” cho những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng ở tỉnh Hà Nam.

Trong đêm tối, nhiều người dân ở vùng lũ Quảng Bình gọi điện, lên mạng xã hội cầu cứu mong được hỗ trợ, giúp đỡ, di dời khẩn cấp vì nước lũ lên nhanh. Các tổ, nhóm xung kích, Công an các đơn vị, địa phương Công an Quảng Bình đã trắng đêm giúp dân chống lũ.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện làm phương tiện đi lại khi chưa có kỹ năng điều khiển khiến không ít học sinh gặp phải sự cố thương tâm…

Ngày 9/10 vừa qua, Báo CAND đăng bài “Vườn điều bị đốn hạ, “cuộc chiến” giành quyền sở hữu vẫn căng thẳng giữa hai nông dân”. Ngay khi báo đăng, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã vào cuộc xác minh, điều tra nhằm làm rõ vụ việc.

Lợi dụng nhu cầu đổi tiền ngoại tệ của nhiều người dân, các đối tượng lừa mua bán tiền để hưởng chênh lệch giá cao. Chỉ trong thời gian ngắn xác lập chuyên án, Phòng Cảnh sát hình sự -Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ được các đối tượng gây án.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9/2024, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch số 4897 về cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Thực hiện cao điểm kế hoạch này, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh về việc đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn.

Những ngày qua, một số website hải ngoại đưa thông tin về việc Freedom House ngày 16/10/2024 công bố báo cáo về tự do Internet toàn cầu, trong đó tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm không có tự do Internet với thang điểm tự chấm 22/100 điểm. Bảng báo cáo trên một lần nữa thể hiện bản chất cực đoan của một tổ chức tự gắn mác “vì nhân quyền”, “vì tự do”, bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người.

Kết quả kiểm phiếu bầu cử Hạ viện Nhật Bản lần thứ 50 vừa được công bố sáng 28/10 cho thấy liên minh cầm quyền giữa đảng Tự do Dân chủ (LDP) và đảng Công minh đã chính thức mất thế đa số, đặt ra vấn đề lớn với chính trường Nhật Bản trong thời gian tới. 

Trong ngày hôm nay (27/10), mưa bão kết hợp triều cường dâng cao làm cho tuyến đường chạy dọc bãi tắm xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Sóng biển xâm thực sâu vào đất liền, đánh vỡ hàng trăm mảng bê tông khiến khu vực này tan hoang như vừa bị "dội bom".

Sáng 27/10, hơn 45.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đã chính thức mở cửa đón cử tri thuộc 47 tỉnh, thành cả nước đến bỏ phiếu để bầu chọn những người đại diện cho mình trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 50 của Nhật Bản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文