Những thách thức đối ngoại mà tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt

06:56 02/11/2024

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sắp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh khốc liệt giữa hai ứng cử viên chính: Cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ. Cho dù ai là người giành chiến thắng cũng đều phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại.

Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế mà còn tác động sâu sắc đến chính trị nội bộ.

Cựu Tổng thống Donald Trump và đối thủ Kamala Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp tại Philadelphia.

Một trong những thách thức lớn nhất mà tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải đối mặt là sự tái xuất hiện của cuộc cạnh tranh địa chính trị, tương tự như thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại phức tạp hơn nhiều. Thay vì chỉ có hai siêu cường, thế giới đang chứng kiến sự hình thành của nhiều liên minh giữa các quốc gia. Một bên là các quốc gia hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh quốc tế, trong khi bên kia là những quốc gia phản đối trật tự quốc tế hiện tại, ví dụ như Trung Quốc, Nga, Iran. Việc duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong bối cảnh này sẽ đòi hỏi một chiến lược linh hoạt, có khả năng thích ứng với các thay đổi nhanh chóng trong môi trường địa chính trị.

Thách thức thứ hai liên quan đến khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân. Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng mối lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đưa ra những lời cảnh báo liên quan đến vũ khí hạt nhân, điều này không chỉ làm tăng căng thẳng giữa các cường quốc mà còn đặt ra câu hỏi về khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu vẫn ở mức cao, với khoảng 13.000 đầu đạn. Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ cần phải tìm cách duy trì sự ổn định trong bối cảnh này, đồng thời đảm bảo rằng các đồng minh của Washington vẫn tin tưởng vào khả năng bảo vệ từ Mỹ.

Thách thức tiếp theo liên quan tới sự ổn định của “nền dân chủ phương Tây”. Các quốc gia như Mỹ và nhiều nước Tây Âu đang chứng kiến sự suy giảm niềm tin vào hệ thống chính trị của họ. Theo một khảo sát của Pew Research Center, chỉ 45% người Mỹ tin rằng, nền dân chủ của họ hoạt động tốt. Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ cần phải giải quyết những vấn đề này không chỉ bằng cách củng cố nền tảng dân chủ trong nước mà còn thông qua việc khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Và cuối cùng là vấn đề di cư. Xứ sở cờ hoa hiện đang phải đối mặt với một làn sóng di cư lớn từ các quốc gia kém phát triển hơn do xung đột và khủng hoảng kinh tế. Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, số lượng người di cư toàn cầu đã đạt 280 triệu vào năm 2020, tăng 40% so với một thập niên trước. Các thành phố lớn như New York và Chicago đang gặp khó khăn trong việc quản lý số lượng người di cư mới đến, dẫn đến căng thẳng ngân sách và xã hội. Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ cần phải tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua hợp tác quốc tế và phát triển các chính sách nhập cư hợp lý để vừa bảo vệ quyền lợi của người di cư vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội Mỹ.

Trong khi đó, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng, chiến thắng của ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ mở ra những con đường hoàn toàn khác nhau không chỉ đối với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ mà còn đối với chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU), hợp tác trong NATO và các chiến lược kinh tế trước tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng.

Nhà phân tích về quan hệ xuyên Đại Tây Dương và EU-NATO tại Viện Nghiên cứu An ninh EU (EUISS) Giuseppe Spatafora nhấn mạnh, tác động tiềm tàng của cuộc bầu cử “không chỉ đối với định hướng của Mỹ trong nước mà còn đối với vai trò của nước này trên trường quốc tế”. Ông nhận định: “Mỗi ứng cử viên đều đưa ra một con đường khác nhau và điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn đến an ninh và vị thế kinh tế của EU trong một thế giới phức tạp”. 

Theo đó, bất chấp những khác biệt về ý thức hệ, cả hai ứng cử viên đều ưu tiên chống ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Đây là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại đang phát triển của Mỹ có thể tác động đến bối cảnh kinh tế và chiến lược của châu Âu.

“Có những lĩnh vực mà ông Trump và bà Harris có điểm chung, đặc biệt là về Trung Quốc, được coi là thách thức chính đối với Mỹ. Cả hai ứng cử viên đều nhận ra tầm quan trọng của việc đưa các ngành chiến lược trở lại Mỹ, một động thái nhằm thúc đẩy lực lượng lao động của nước này và củng cố an ninh quốc gia”, chuyên gia Giuseppe Spatafora giải thích.

Tuy nhiên, về cuộc xung đột ở Ukraine, họ lại có sự khác biệt đáng kể. Quan điểm của ông Donald Trump là muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, làm dấy lên khả năng đàm phán với Nga.

“Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt giao tranh càng sớm càng tốt, có thể bằng cách tiếp cận Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngược lại, bà Kamala Harris đã thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với Ukraine, thể hiện lập trường của bà phù hợp với chính quyền của Tổng thống Joe Biden và sự ủng hộ liên tục với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky”, ông Giuseppe Spatafora nêu quan điểm.

Vị chuyên gia nói thêm rằng, một số cuộc tranh luận lâu nay về viện trợ của Mỹ cho Ukraine, hay hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga của Kiev, hoặc việc Ukraine gia nhập NATO, có thể vẫn là vấn đề trong trường hợp bà Harris lên nắm quyền.

Bên cạnh đó, quan điểm về chính sách năng lượng của hai ứng cử viên cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực về khí hậu của châu Âu. Cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris có xu hướng ủng hộ năng lượng tái tạo và các sáng kiến về khí hậu. Điều này có thể tạo ra sự bất đồng và làm suy yếu mối quan hệ tập trung vào khí hậu giữa Mỹ và EU. An ninh của châu Âu cũng sẽ phụ thuộc vào việc ai giành chiến thắng.

Mặc dù cả hai ứng cử viên đều công nhận vai trò của NATO, nhưng cách tiếp cận lại khác nhau. Ông Donald Trump có xu hướng coi NATO như “gánh nặng” và yêu cầu các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi bà Kamala Harris có thể sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với liên minh này. Điều này có thể thúc đẩy EU phải tự chủ về an ninh nhiều hơn, khi họ nhận thức rằng Mỹ có thể thu hẹp cam kết của mình với an ninh châu Âu. Các quốc gia thành viên đã tăng ngân sách quốc phòng và đẩy mạnh xây dựng năng lực quân sự tự chủ. Tuy nhiên, họ vẫn thừa nhận mối quan hệ đối tác với Mỹ là điều cần thiết.

Ngoài ra, cả hai ứng cử viên đều muốn duy trì “xoay trục” sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Điều này có thể buộc châu Âu phải gánh vác gánh nặng lớn hơn tại khu vực lân cận và thúc đẩy EU hướng tới độc lập về an ninh.

Tóm lại, bất kể ai trở thành tân chủ nhân của Nhà Trắng, châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Họ sẽ phải nỗ lực duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đảm bảo an ninh, đồng thời tìm cách ứng phó với những ưu tiên an ninh mới của Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Khổng Hà (tổng hợp)

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Chiều 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc và đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình thụ lý theo thẩm quyền.

Sáng 26/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, khi có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề xử lý những đối tượng đang lẩn trốn ra nước ngoài, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết:  

Sáng 4/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội TTGT quận Cầu Giấy; Đội CSGT-TT Công an quận Cầu Giấy cùng Công an phường Trung Hòa triển khai lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao thông Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, trong đó tập trung công tác chỉ huy, điều tiết phân luồng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Ngày 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Trần Quốc Hưng (SN 1965, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi “Vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Nói về sự cần thiết, bắt buộc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đảng viên, cán bộ, nhân dân đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, coi đây là một “cuộc cách mạng” quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn…

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời cơ mà tội phạm “tín dụng đen” triệt để lợi dụng, tung các chiêu trò dụ dỗ người dân vay tiền. Đáng chú ý, loại tội phạm này có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian ảo, khiến không ít người rơi vào ma trận trực chờ sập bẫy.

Lầu Năm Góc xác nhận rằng Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công vào các tài sản quân sự ở miền Đông Syria sau một cuộc tấn công bằng tên lửa gần một trong các căn cứ của họ.

Vào ngày 31/12/2024, sau hơn 3 năm áp dụng, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ chính thức dừng lại. Thay vào đó, từ 1/1/2025, Thông tư số 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt các điểm mới phù hợp hơn với thực tế.

Yonhap đưa tin, rạng sáng 4/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật. Trước đó, 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp khẩn quốc hội Hàn Quốc lúc 0h47 (giờ địa phương), đều nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật mà tổng thống ban bố. 

Sáng 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình về hành vi "Giết người".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文