Những thách thức và triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

07:48 30/12/2024

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trong năm 2024 tiếp tục đối mặt với những thách thức chưa được giải quyết, được nhận định là nhiều bất ổn nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Những diễn biến quân sự phức tạp cùng các tuyên bố mạnh mẽ từ hai phía đã làm gia tăng căng thẳng.

Theo giới phân tích, đây là biểu hiện rõ nét của một cuộc "Chiến tranh lạnh mới" trong khu vực, với những tác động không chỉ giới hạn trong phạm vi hai miền Triều Tiên.

Tình trạng leo thang bắt đầu từ đầu năm, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố coi Seoul là "đối thủ chính" và đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhằm điều chỉnh mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng thể hiện lập trường kiên quyết, nhấn mạnh bất kỳ hành động gây căng thẳng nào từ phía Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với phản ứng quyết liệt. Những tuyên bố này đã làm phức tạp thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

29_12_2024_quocte.jpg -0
Người dân tại Seoul, Hàn Quốc theo dõi bản tin về việc Triều Tiên cho nổ mìn, phá hủy một số đoạn trên các tuyến đường bộ liên Triều ngày 15/10.

Trong suốt năm qua, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo với các tầm bắn khác nhau, bao gồm vụ thử tên lửa Hwasong-19, được truyền thông nhà nước mô tả là "tên lửa chiến lược hàng đầu". Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng phát triển các hệ thống vũ khí mới như "Haeil-5-23" - một hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước - và động cơ tên lửa siêu vượt âm sử dụng nhiên liệu rắn. Trong khi đó, các cơ quan liên lạc liên Triều trước đây bị giải thể, đánh dấu sự gián đoạn hoàn toàn trong các nỗ lực hòa giải.

Ở phía bên kia, Hàn Quốc và các đồng minh như Mỹ, Nhật Bản và Australia đã gia tăng hợp tác quân sự. Các cuộc tập trận chung quy mô lớn như "Lá chắn Tự do Ulchi" đã được tổ chức với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ, tàu khu trục và máy bay chiến đấu. Nỗ lực tăng cường an ninh khu vực của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã gây nhiều sự chú ý trong bàn cơ đối ngoại khu vực.

Những hành động đáp trả từ cả hai phía không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự mà còn lan sang mặt trận tuyên truyền. Triều Tiên thả bóng bay chứa tài liệu qua biên giới và cáo buộc Hàn Quốc xâm phạm không phận, trong khi Hàn Quốc sử dụng loa phóng thanh và rải truyền đơn sang phía Bắc.

Một diễn biến quan trọng là việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường bộ và đường sắt nối hai miền, gây thêm trở ngại cho các nỗ lực hoà giải. Tình trạng này cũng gây áp lực lớn hơn đối với khu vực Đông Bắc Á, khi xu hướng tăng cường vũ trang trong khu vực ngày càng được chú ý.

Theo các nhà phân tích, sự gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách đối ngoại cũng như tạo ra những thách thức mới về chính trị. Từ nguy cơ gián đoạn tiến trình thống nhất bán đảo đến rủi ro các mâu thuẫn khu vực lan rộng, tình hình tại đây đang đặt ra những vấn đề đa chiều.

Tình trạng leo thang căng thẳng không chỉ xuất phát từ những bất đồng liên Triều mà còn bị ảnh hưởng bởi các biến đổi lớn trên bàn cờ quốc tế. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga đang làm gia tăng áp lực lên khu vực Đông Bắc Á.

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử được nhận định là có thể gây dựng hy vọng nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa, đặc biệt khi ông từng có các cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, bên cạnh hy vọng, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng tiến trình này có thể gặp phải thách thức từ những yếu tố như sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ hoặc thái độ thận trọng của các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặt khác, Triều Tiên được cho là đang tăng cường hợp tác chiến lược với Nga, nhất là sau khi Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước được ký kết vào tháng 6. Quan hệ Nga-Triều không chỉ dừng lại ở lĩnh vực quốc phòng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế và năng lượng, tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng tăng cường vị thế trên bàn đàm phán quốc tế.

Đồng thời, việc Triều Tiên nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Moscow cũng có thể làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Trong bối cảnh đó, sự can thiệp và điều phối hiệu quả từ các tổ chức quốc tế và các bên liên quan sẽ đóng vai trò quyết định trong việc duy trì ổn định và thúc đẩy các nỗ lực hòa bình.

Trước bối cảnh này, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, duy trì ổn định, quản lý căng thẳng và khôi phục đối thoại là những nhiệm vụ ưu tiên. Giáo sư Pak Noja tại Đại học Oslo nhấn mạnh rằng, mặc dù tồn tại những khác biệt sâu sắc, hai miền Triều Tiên cần học cách chấp nhận và cùng tồn tại hòa bình như những quốc gia láng giềng.

Điều này đòi hỏi cả hai bên cần bắt đầu từ các bước đi nhỏ nhưng thiết thực, như khôi phục đường dây nóng quân sự để giảm thiểu các hiểu lầm, mở rộng các chương trình nhân đạo nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân ở hai miền, cũng như thúc đẩy đối thoại trong các lĩnh vực phi chính trị như kinh tế, y tế, và văn hóa để xây dựng lòng tin dần dần.

Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong vai trò trung gian, nếu được thực hiện một cách khách quan và hiệu quả, có thể tạo ra những đột phá tích cực trong tiến trình hòa bình. Vai trò của các tổ chức khu vực và toàn cầu, chẳng hạn Liên hợp quốc, có thể là nhân tố quan trọng giúp duy trì đối thoại và giám sát việc thực thi các thỏa thuận. Tuy nhiên, thành công phụ thuộc nhiều vào thiện chí và cam kết thực sự từ các bên liên quan, đặc biệt là trong việc giảm bớt các hành động leo thang quân sự và tập trung vào các giải pháp mang tính xây dựng hơn.

Cuối cùng, để giảm thiểu nguy cơ xung đột và đạt được sự ổn định lâu dài, Hàn Quốc và Triều Tiên cần hướng tới một thỏa hiệp toàn diện, đặt lợi ích hòa bình lâu dài lên trên các mục tiêu quân sự ngắn hạn. Sự phối hợp từ các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và xây dựng lòng tin giữa các bên.

Một môi trường khu vực ổn định không chỉ mang lại lợi ích cho hai miền Triều Tiên mà còn góp phần duy trì hoà bình, an ninh trên toàn Đông Bắc Á, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia liên quan.

Khổng Hà

Ngày 27/6, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước"; "Chiếm đoạt bí mật nhà nước”, xảy ra sáng 26/6, trong thời gian thi môn Ngữ Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Sáng 27/6, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức họp Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú; Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh quyết định: Cách chức Đội trưởng đối với Trung tá Hồ Sỹ Phong, đang công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tiếp tục tạm đình chỉ công tác đối với Trung tá Hồ Sỹ Phong để phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý vụ việc.

Ngày 27/6, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong hôm nay và ngày mai 28/6, khu vực Bắc bộ có mưa rào và dông; riêng khu vực trung du và vùng núi có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, với lượng mưa từ 15-40mm/24h, cục bộ có nơi trên 150mm/24h.

Trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan diễn ra sáng 27/6, công ty này gửi đơn kèm xác nhận của ngân hàng về việc: Một cá nhân có 507 tỷ đồng trong tài khoản, muốn mua lại tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng, việc này không có giá trị pháp lý, bởi nếu muốn mua bán, các bên có thể chuyển tiền cho nhau.

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, CBCS Công an tỉnh Cà Mau - cực Nam Tổ quốc, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực tham gia các hoạt động của chương trình tiếp sức mùa thi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.