Nỗi nhớ quê hương từ xứ Phù Tang

17:45 28/01/2022

Mỗi khi Tết đến là lúc mọi người bàn tính chuyện về ăn Tết, tìm kiếm chặng bay hợp lý để về quê ăn Tết nhưng năm nay sẽ là năm thứ 3 mọi người lại phải ăn Tết xa nhà...

Vậy là đã 3 năm kể từ ngày dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu để trở thành đại dịch tàn khốc nhất trong lịch sử loài người. Với những người sống trong nước, dù đại dịch có tàn khốc thế nào đi nữa thì họ vẫn còn người thân bên cạnh để chăm lo và được chăm lo, họ vẫn còn được sự quan tâm của cộng đồng, của chính quyền các cấp, và đặc biệt là của ngành y tế. Còn đối với những người xa xứ, họ phải gồng mình lên gấp nhiều lần để chống chọi với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh về mặt sức khỏe và kinh tế.

Tạp hóa Việt Nam ở Naha, Okinawa, nơi mang hương vị Việt cho những người Việt xa quê.

Nếu như năm 2020 Việt Nam kiểm soát tình hình dịch bệnh rất tốt thì Nhật Bản lại có số ca nhiễm trung bình hàng ngày từ 3 đến 4 con số. Những lúc đó những người Việt tại Nhật mong muốn được trở về Việt Nam để tránh dịch. Tuy nhiên số lượng chuyến bay giải cứu có hạn nên chỉ có những trường hợp đặc biệt mới được giải cứu về nước và các chuyến bay giải cứu chỉ xuất phát từ Thủ đô Tokyo nên chỉ thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống ở Tokyo và vùng phụ cận. Còn đối với những người sống ở các tỉnh xa như Okinawa thì họ lại phải bỏ thêm chi phí để bay khoảng 2 giờ để đến được Tokyo.

Số lượng người được về rất ít, phần đông những người ở lại thì phải tự chống chọi với đại dịch và xoay xở với cuộc sống mưu sinh vì ít việc làm. Nhiều người số ngày làm việc trong 1 tháng chỉ khoảng 9 - 10 ngày, họ phải bươn chải các nghề khác như đi thu hoạch mía, rửa bát, và những việc không tên khác bù đắp cho thu nhập bị thâm hụt.

Con phố đi bộ Kokusai ở Naha đang dần hồi phục sau đại dịch.

Ở Okinawa, hòn đảo nằm ở phía nam của Nhật Bản có diện tích bằng 2/3 và dân số khoảng 1/3 so với Hà Nội, hiện tại số lượng người Việt đang lao động và học tập chỉ đứng sau Nepal trong tổng số lực lượng lao động nước ngoài của tỉnh này. Các ngành nghề chủ yếu có lao động Việt Nam bao gồm nông nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, và chăm sóc người già trong viện dưỡng lão.

Do ảnh hưởng của đại dịch nên đại đa số chưa được về Việt Nam thăm gia đình trong 2 năm qua. Anh T. và chị Tr. để lại đứa con nay đã 3 tuổi nhờ bố mẹ 2 bên chăm sóc để qua đây làm việc cũng chỉ hàng ngày được nói chuyện với con qua video. Họ cũng đang lên kế hoạch về Việt Nam để đón con sang đây đoàn tụ cùng gia đình mà hiện tại các đường bay thương mại vẫn chưa hoạt động trở lại. Một người lao động khác là anh H. sang đây theo hợp đồng 3 năm, lúc hết hạn hợp đồng là khi đại dịch đang bùng phát nhưng may mắn là công ty nơi anh làm việc đã gia hạn hợp đồng mỗi lần 6 tháng cho anh để anh có thể tiếp tục công việc chờ thời gian được về đoàn tụ cùng gia đình.

Mỗi khi Tết đến là lúc mọi người bàn tính chuyện về ăn Tết, tìm kiếm chặng bay hợp lý để về quê ăn Tết nhưng năm nay sẽ là năm thứ 3 mọi người lại phải ăn Tết xa nhà. Vì Nhật Bản không đón năm mới theo âm lịch nên nhiều người vẫn phải đi làm vào dịp Tết. Nhiều người bắt đầu lên kế hoạch cùng nhau tổ chức ăn Tết cho đỡ nhớ nhà.

Do cộng đồng người Việt ở Okinawa khá đông nên ở đây có ít nhất hai siêu thị nho nhỏ chuyên bán những món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bánh mì và thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như mì tôm, bánh đa cua, và cả bánh chưng cho dịp Tết. Những hương vị đặc trưng của quê nhà sẽ giúp họ có chút không khí Tết làm vơi đi nỗi nhớ quê hương.

Đến đầu tháng 12, tỉ lệ phủ vaccine của Nhật Bản đã đạt khoảng 76% dân số. Kết quả là các ca nhiễm tại Nhật Bản đã giảm đáng kể trong sự vui mừng của người dân. Khi tôi viết những dòng này thì mỗi ngày ở Okinawa các ca nhiễm mới chỉ là 1 con số so với 3 con số khoảng 1 tháng trước đây. Chính phủ đã có những biện pháp mạnh tay về xuất nhập cảnh ngay từ đầu để đối phó với biến chủng Omicron.

Cộng đồng người Việt mong muốn Việt Nam cũng sớm chiến thắng đại dịch để các đường bay giữa hai được trở lại bình thường, để anh T. và chị Tr. sẽ được đoàn tụ cùng con gái, để nhiều người sẽ được về thăm gia đình sau 3 năm xa cách. Lại thêm một mùa xuân nữa xa quê!

Tạ Tuấn Thi (Email từ Okinawa- Nhật Bản)

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文