Ông trùm WikiLeaks được trả tự do
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã được trả tự do khỏi nhà tù ở Anh và đang trên đường trở về Australia sau khi đồng ý nhận tội danh vi phạm luật gián điệp của Mỹ.
Assange đã được trả tự do khỏi nhà tù Belmarsh của Anh ngày 24/6 (giờ địa phương) và được đưa đến sân bay để rời khỏi nước này. Assange sẽ xuất hiện tại tòa án ở Saipan, lãnh thổ Thái Bình của Mỹ vào sáng 26/6. Theo hồ sơ vụ án, dự kiến Assange sẽ phải đối mặt với 62 tháng tù giam.
“Julian Assange được tự do”, Wikileaks cho biết trong một tuyên bố đăng trên X. “Ông ấy (Assange) rời nhà tù an ninh cao Belmarsh vào sáng ngày 24/6, sau khi trải qua 1.901 ngày bị giam tại đây. Ông đã được Tòa án Tối cao ở London cho phép tại ngoại và được thả tại sân bay Stanstead để rời khỏi Anh”.
Assange nổi lên nhờ việc ra mắt WikiLeaks vào năm 2006, tạo ra một nền tảng tố cáo trực tuyến nơi bất kỳ ai cũng có thể gửi các tài liệu mật một cách ẩn danh.
Đoạn phim về cuộc tấn công bằng trực thăng Apache của Mỹ ở Baghdad, khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có hai nhà báo, đã phần nào nâng cao danh tiếng của nền tảng này. Bên cạnh đó, WikiLeaks cũng được chú ý hơn sau vụ công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật của Mỹ về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq vào năm 2010.
WikiLeaks đăng tải tài liệu về nhiều quốc gia, nhưng chính Mỹ vào năm 2019 đã buộc tội người này với 17 tội danh vi phạm Đạo luật Chống gián điệp.
Các công tố viên Mỹ lập luận rằng Assange đã âm mưu với Chelsea Manning, một cựu nhà phân tích tình báo quân đội, người đã phải ngồi tù 7 năm vì làm rò rỉ tài liệu cho WikiLeaks.
Các cáo buộc đã gây ra sự phẫn nộ với những người ủng hộ Assange, họ cho rằng với tư cách là nhà xuất bản và tổng biên tập của Wikileaks, lẽ ra ông không nên phải đối mặt với các cáo buộc thường được áp dụng đối với các nhân viên chính phủ ăn cắp hoặc rò rỉ thông tin.
Trong khi đó, những người ủng hộ quyền tự do báo chí cho rằng việc buộc tội Assange là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận.
Assange lần đầu tiên bị bắt ở London vào năm 2010 theo lệnh truy nã của Thụy Điển với cáo buộc tấn công tình dục. Được phép tại ngoại chờ dẫn độ, Assange đã tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London vào năm 2012.
Trong 7 năm tiếp theo, Assange ở trong Đại sứ quán Ecuador, khi này, cảnh sát Thụy Điển đã rút lại cáo buộc tấn công tình dục và cảnh sát Anh bắt giữ ông này vì tội vi phạm các điều kiện bảo lãnh.