Phần Lan và Thụy Điển nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ để được vào NATO
Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh NATO sau khi nhận được những nhượng bộ đáng kể từ hai quốc gia Bắc Âu.
Reuters ngày 28/6 dẫn thông báo của văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước thềm hội nghị thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid, Tây ban Nha, xác nhận "Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những gì mong muốn và ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, Phần Lan".
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö trước đó cho biết, Ankara đã kí một bản ghi nhớ với Helsinki và Stockholm về việc ủng hộ hai quốc gia này vào NATO, còn Phần Lan và Thụy Điển đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt sau khi Ankara mở chiến dịch ở Syria năm 2019.
Ngoài vấn đề cấm vận vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay còn yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển phải có quan điểm cứng rắn hơn với các nhóm vũ trang người Kurd mà Ankara coi là các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức mang tên Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoạt động ở Trung Đông.
Theo Guardian, thỏa thuận được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Phần Lan và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson kí kết có nội dung khẳng định Phần Lan và Thụy Điển sẽ "mở rộng sự hỗ trợ đầy đủ của họ" đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Các nước Bắc Âu cũng chấp nhận coi PKK là một tổ chức khủng bố. Ngoài ra, họ cam kết không cung cấp hỗ trợ cho đảng Liên minh Dân chủ Người Kurd (PYD) và các nhóm Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) từng sát cánh cùng phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Thụy Điển là nơi sinh sống của 100.000 người Kurd tị nạn và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi dẫn độ những cá nhân mà họ cho là có liên hệ với PKK hoặc YPG. Các nước Bắc Âu đồng ý sẽ thảo luận về những yêu cầu dẫn độ được Ankara nêu ra.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ca ngợi "thỏa thuận rất tốt" với Thổ Nhĩ Kỳ. "Thực hiện bước tiếp theo để trở thành thành viên NATO tất nhiên quan trọng đối với Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng đó cũng là bước rất quan trọng đối với NATO, bởi các quốc gia chúng ta sẽ là bên cung cấp an ninh trong NATO", bà Andersson nhấn mạnh.
Thỏa thuận được ký kết sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg làm trung gian cho các cuộc đàm phán tại Madrid giữa ông Erdogan và các lãnh đạo Thụy Điển, Phần Lan.
"Tôi vui mừng thông báo chúng tôi đã có một thỏa thuận mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thỏa thuận này cũng giải quyết các mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm xuất khẩu vũ khí và cuộc chiến chống khủng bố", ông Stoltenberg nói.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5 nộp đơn gia nhập NATO, động thái được đánh giá là bước ngoặt khi kết thúc nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập của hai quốc gia Bắc Âu. Nga cảnh báo sẽ có hành động đáp trả tương xứng nếu Stockholm và Helsinki để NATO triển khai vũ khí gần biên giới Nga.