Taliban đã hoàn thành 90% chính phủ mới tại Afghanistan
Đại diện Taliban ngày 1/9 cho biết, việc thành lập chính phủ mới tại Afghanistan đang trong giai đoạn cuối cùng, vài ngày sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi đất nước Tây Nam Á này.
Theo Bilal Karimi, thành viên ủy ban văn hóa của Taliban, thủ lĩnh của lực lượng này - Haibatullah Akhundzada - dự kiến đảm nhiệm vị trí tương đương lãnh đạo tối cao, cao hơn bất kỳ cơ quan quản lý nào, Bloomberg đưa tin.
Ngoài ra, thành viên đồng sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar có thể sẽ phụ trách hoạt động hàng ngày của chính phủ.
Ông Karimi cho biết, “lãnh đạo Tiểu vương quốc Hồi giáo, lãnh đạo chính phủ tiền nhiệm và các lãnh đạo có ảnh hưởng khác” đã tổ chức tham vấn về việc thành lập một chính phủ Afghanistan toàn diện. Lãnh đạo Taliban đã đạt được sự đồng thuận.
Trước đó, Anas Haqqani, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban, cho biết đã “hoàn thành 90 đến 95%” chính phủ mới và sẽ “đưa ra thông báo về kết quả cuối cùng trong những ngày tới”, theo Al Jazeera.
Ông Haqqani cũng thông tin thêm rằng mục tiêu chung của chính phủ mới sẽ là “duy trì và trung thành với những gì Taliban đang đấu tranh. Để phục vụ người dân Afghanistan và phục vụ đạo Hồi”.
Taliban cho biết họ muốn thành lập một chính phủ “bao trùm”, cam kết tôn trọng quyền con người và quyền tự do của phụ nữ “trong khuôn khổ luật Hồi giáo”.
Tuy nhiên, hàng chục nghìn người Afghanistan đã cố gắng chạy trốn khỏi đất nước một cách tuyệt vọng sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul vào ngày 15/8.
Nhiều người Afghanistan lo sợ Taliban sẽ tái áp dụng các biện pháp cai trị tàn bạo như giai đoạn từ năm 1996 đến 2001, khi quyền của phụ nữ bị hạn chế nghiêm trọng và họ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc.
Trong những tuần qua, đã có báo cáo về việc Taliban tiến hành các cuộc lục soát từng nhà để tìm kiếm những người từng làm việc với chính phủ cũ hoặc các lực lượng nước ngoài.
Chính phủ mới tại Afghanistan sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm khả năng sụp đổ nền kinh tế khi các quốc gia và tổ chức nước ngoài cắt viện trợ, cũng như sự giám sát và áp lực từ cộng đồng quốc tế về hồ sơ nhân quyền.
Afghanistan cũng phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là từ ISIS-K, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom liều chết gây thương vong lớn tại sân bay Kabul hôm 26/8.