Thế giới trước những thách thức chiến tranh và dịch bệnh

06:14 15/04/2022

Chưa bao giờ thế giới lại có nhiều cuộc khủng hoảng cấp bách và nguy hiểm như hiện nay, từ đại dịch COVID-19, tới cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề Afghanistan, người di cư và tị nạn cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong đó “nổi bật” nhất là vào thời điểm hiện tại cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Những gì đã và đang diễn ra tại quốc gia Liên Xô cũ này tính tới thời điểm hiện tại cho thấy chỉ có giải pháp ngoại giao, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn, mới là giải pháp tối ưu nhất.

Thời gian qua, các nhà lãnh đạo quốc tế đã tổ chức hàng loạt các cuộc hội đàm, điện đàm, hội nghị thượng đỉnh… để kêu gọi các bên liên quan ngừng leo thang căng thẳng và các hành động quân sự, ngay lập tức theo đuổi giải pháp hòa bình và ngoại giao dựa trên đối thoại. Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế còn bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine nhằm bắt đầu xây dựng lòng tin và mở đường cho giải pháp chính trị bền vững cho cuộc khủng hoảng này.

Người tị nạn Ukraine. Ảnh: New York Times

Họ khẳng định, giải pháp chính trị giữa Moscow và Kiev cần đạt được trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và chủ quyền của các quốc gia. Không nằm ngoài những nỗ lực này, hai “người trong cuộc”, sau nhiều vòng đàm phán, đã dần tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, kết quả cuộc gặp hôm 29/3 ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã phát đi tín hiệu tích cực về khả năng đạt được nhượng bộ giữa hai bên nhằm chấm dứt xung đột.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinski đánh giá cuộc gặp này mang tính xây dựng, trong đó ông nhắc tới những bước đi để “tiến về” phía đối phương, có thể hiểu là sự nhượng bộ nhất định để quan điểm của hai bên có thể “xích lại gần nhau hơn”, khiến khả năng đạt được thỏa hiệp gia tăng.

Về phía Nga, ông Vladimir Medinski cho biết Moscow đã thực hiện 2 bước nhằm giảm căng thẳng, cả về chính trị và quân sự. Bước thứ nhất là về khả năng tiến hành cuộc gặp giữa nguyên thủ Nga và Ukraine, như đề xuất của Tổng thống Ukraine.

Theo đó, thay vì tuyên bố một cuộc gặp như vậy chỉ được tổ chức sau khi quan chức cấp ngoại giao hai nước ký được một thỏa thuận, thì nay Moscow cho rằng hai bên có thể tiến hành hai hoạt động này đồng thời. Bước thứ hai là việc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố giảm đáng kể hoạt động quân sự ở gần Kiev và Chernihiv, được cho là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán.

Trưởng đoàn đàm phán của Nga nói rằng Moscow đang chờ đợi “động thái tương tự” của Kiev, đồng thời cho rằng việc Ukraine đưa ra đề xuất bằng văn bản cũng là một bước đi tích cực, bởi đây là lần đầu tiên Kiev làm rõ chính sách và đề xuất của mình bằng văn bản cụ thể. Về phía Ukraine, rõ ràng đề xuất về “trạng thái trung lập”, đồng nghĩa với việc không gia nhập NATO, đáp ứng được các yêu cầu của Nga trên bàn đàm phán.

Kiev dường như cũng có sự nhượng bộ trong vấn đề Crimea khi chấp nhận tham vấn về tình trạng của bán đảo này, cũng như đàm phán để giải quyết xung đột liên quan tới vùng Donbass, bởi trong các vòng đàm phán hồi đầu tháng 3, thành viên đoàn đàm phán Ukraine David Akhramiya từng tuyên bố Kiev và Moscow có thể đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề, “ngoại trừ tình trạng của Crimea và Donbass”.

Ông David Akhramiya cho rằng vòng đàm phán với Nga ngày 29/3 đã đạt đủ tiến triển để tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia, quan điểm của Nga và Ukraine có khả năng xích lại gần nhau hơn về vị thế trung lập và đảm bảo an ninh của Ukraine. Tuy nhiên, các thỏa hiệp về vấn đề Donbass và Crimea vẫn là một vấn đề “hóc búa”.

Trong quá khứ, nếu các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh có thể cùng nhau hoàn thành Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào những năm 1960 và nếu các bên tham chiến ở Trung Mỹ có thể đồng ý về các dàn xếp để chấm dứt xung đột của họ trong những năm 1980, điều tương tự cũng có thể xảy ra ngày hôm nay ở Ukraine.

Trên thực tế, không có cách nào thay thế cho đối thoại. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn, nhu cầu đàm phán cũng trở nên cấp thiết hơn. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo rằng Ukraine đang “bị tàn phá trước mắt thế giới”, với lựa chọn hợp lý duy nhất là “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và đàm phán nghiêm túc dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”. Một thỏa thuận thương lượng là con đường duy nhất để tiến tới hòa bình.

Ngay cả trong những tình huống có vẻ khó khăn với những quan điểm không khoan nhượng, sức mạnh của lý trí vẫn có thể chiếm ưu thế. Đối thoại có thể biến điều không thể thành có thể. Cộng đồng quốc tế đã đáp trả cuộc chiến tranh do Nga gây ra bằng các biện pháp trừng phạt và vũ khí, nhưng không ai tin rằng những các biện pháp trừng phạt này có thể chấm dứt sự đau khổ của Ukraine.

Vũ khí và đạn dược có thể giúp những người bảo vệ dũng cảm của Ukraine đối mặt với xe tăng và máy bay của Nga, nhưng chúng cũng có thể kéo dài cuộc chiến và làm tăng số người chết và thương vong.

Và trong khi một số người có thể hoan nghênh một cuộc xung đột kéo dài như một chiến lược nhằm làm suy giảm lực lượng của Nga và gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin, điều đó cũng sẽ dẫn đến tổn thất nhân lực lớn - ngay cả khi nó hoạt động theo như kế hoạch.

Nhiều người sẽ chết ở cả hai bên và tình trạng bất ổn hơn bên trong nước Nga sẽ gây ra những cuộc đàn áp thậm chí còn khốc liệt hơn và sự mất mát các quyền tự do cơ bản và tự do dân sự thậm chí còn lớn hơn. Xung đột càng kéo dài và sự chia rẽ giữa Nga và các nền dân chủ trên thế giới càng lớn, càng khó theo đuổi hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu, phục hồi đại dịch, ổn định tài chính, pháp quyền và - có lẽ là quan trọng nhất - an ninh hạt nhân.

Trong cuộc khủng hoảng ngày nay, cần tất cả các bên liên quan cam kết tối thiểu rằng họ sẽ không phải là người đầu tiên sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại và thương lượng. Trước đây, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau ngăn chặn nguy cơ “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân”, cộng đồng quốc tế có thể làm lại điều này ngay bây giờ.

Nghị quyết gần đây của Đại hội đồng LHQ về Ukraine “kêu gọi giải quyết hòa bình ngay lập tức cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đối thoại chính trị, đàm phán, hòa giải và các biện pháp hòa bình khác”. Những lời lẽ này là niềm khao khát của người dân trên khắp thế giới.

Khổng Hà

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文