Tìm giải pháp hòa bình cho tình trạng bất ổn ở một số nước châu Phi: Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Tình hình tại một số quốc gia châu Phi như Gabon, Niger, Sudan… vẫn đang căng như dây đàn. Trong khi đó, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp hòa bình cho tình trạng bất ổn này dường như vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào.
Chưa có gì khả quan
Một nguồn tin từ Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 7/9 (giờ địa phương) cho biết triển vọng khối này và chính quyền quân sự của Niger đạt được thỏa thuận trong những ngày tới là không khả quan, như Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine do chính quyền quân sự Niger bổ nhiệm bày tỏ trước đó.
Nguồn tin trên tái khẳng định ECOWAS yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống bị lật đổ của Niger Mohamed Bazoum và lập lại trật tự hiến pháp, đồng thời nói rằng các cuộc đàm phán với chính quyền quân sự Niger sẽ không kết thúc sớm. ECOWAS đồng thời cho biết không có ý định chấp nhận một giai đoạn chuyển tiếp khi lực lượng tiến hành cuộc đảo chính kiểm soát Niger. Lãnh đạo khối cũng từ chối đề xuất của Algeria vào cuối tháng 8 vừa qua về kế hoạch chuyển tiếp kéo dài 6 tháng.
Cùng ngày, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Trung Phi Abdou Abarry đã có cuộc gặp với Tướng Brice Oligui Nguema, người vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống chuyển tiếp của Gabon, tại Libreville để thảo luận về quá trình chuyển giao quyền lực sau cuộc đảo chính quân sự tháng trước.
Phát biểu sau cuộc gặp, ông Abdou Abarry cho biết, LHQ sẽ hỗ trợ Gabon trong quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự sang dân sự ngay khi chính quyền của ông Oligui Nguema có hành động mới. Ông đồng thời nêu rõ, ngay khi LHQ nắm được lộ trình, thời gian biểu cũng như một Chính phủ mới được bổ nhiệm, các cơ quan liên quan của LHQ sẽ xúc tiến liên lạc và tiếp tục hỗ trợ Gabon.
Trong khi đó, một quan chức của chính quyền quân sự tại Gabon cho biết Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadera và Tướng Oligui Nguema đã đồng ý vạch ra lộ trình khôi phục chế độ dân chủ sau cuộc đảo chính ngày 30/8. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong đoàn tùy tùng của ông Oligui Nguema xác nhận rằng ở giai đoạn hiện nay, hai bên chỉ đồng ý phác thảo bản kế hoạch khung.
Liên quan đến tình hình Sudan, tại cuộc gặp tối 6/9 tại Thủ đô Nairobi của Kenya, các lãnh đạo một số nước thành viên thuộc Cơ quan Liên Chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD), gồm Kenya, Ethiopia, Nam Sudan và Djibouti, đã kêu gọi IGAD và Liên minh châu Phi (AU) phối hợp nỗ lực để cùng với các quốc gia láng giềng Sudan cũng như các nước có liên quan hỗ trợ một nền tảng toàn diện cho tiến trình hòa bình Sudan.
Theo các nhà lãnh đạo, IGAD và AU nên đề ra chương trình nghị sự và xác định những người tham gia cũng như các vấn đề liên quan khác để hỗ trợ một cuộc đối thoại chính trị về Sudan. Trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp, các lãnh đạo lên án mạnh mẽ cuộc xung đột đang diễn ra tại Sudan, kêu gọi các bên tham chiến ngay lập tức dừng mọi hành động thù địch đồng thời tái khẳng định không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này.
Các nhà lãnh đạo cảnh báo rằng, cuộc xung đột ở Sudan ngày càng trở nên phức tạp và có thể mở rộng ra quy mô khu vực với sự gia nhập và tham gia của các phong trào vũ trang khác, trong khi các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ được sử dụng ngày càng nhiều, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về an ninh, nhân đạo và chính trị cho Sudan và cả khu vực.
Khi đảo chính là “chuyện thường”
Tiếp nối Guinea, Mali, Burkina Faso, Niger..., cuộc đảo chính mới nhất ở Gabon có thể coi là một phần của xu hướng khu vực rộng lớn ở Sahel và Tây Phi với làn sóng lật đổ chính quyền, đẩy châu Phi vào bất ổn. Để hiểu lý do dẫn đến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng này, cần có cái nhìn rộng hơn về các chủ thể đang đối đầu với nhau trên “lục địa Đen”.
Theo số liệu của trang revueconflits.com, có tới 41 quốc gia châu Phi đã trải qua ít nhất một vụ chính biến lật đổ chính quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Trên bình diện thế giới, khoảng 7 trong số 10 cuộc đảo chính diễn ra ở châu Phi. Trên thực tế, đã có 7 cuộc đảo chính ở châu Phi kể từ năm 2020 và tất cả đều diễn ra ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp, ngoại trừ Sudan.
Trong cuộc đảo chính quân sự ở Niger cuối tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu về khu vực cho rằng có 4 yếu tố tác động là xung đột triền miên, chia rẽ về vấn đề kinh tế, an ninh và sắc tộc. Đây có vẻ cũng là những mồi lửa bất ổn châm ngòi cho hàng loạt vụ chính biến khác trong khu vực.
Giới lãnh đạo các cuộc đảo chính gần đây ở Guinea, Mali, Burkina Faso, Sudan và Zimbabwe thường viện dẫn những lý do như tham nhũng, quản lý yếu kém và nghèo đói để biện minh cho hành động lật đổ chính quyền. Trên thực tế, châu Phi đang đối mặt với khá nhiều thách thức. Tỷ lệ nghèo đói đang tăng cao khi các nền kinh tế mong manh của châu Phi bị đại dịch COVID-19 vùi dập, kéo theo tình trạng bất bình đẳng ngày càng rõ rệt.
Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc LHQ (ECA), hiện có tới 546 triệu người châu Phi đang sống trong nghèo đói, tăng 74% kể từ năm 1990 và 10 quốc gia thuộc châu lục này phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ đáng báo động. Châu Phi là lục địa có dân số trẻ nhất trên thế giới và dân số ở khu vực này cũng tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Điều này làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên vốn đã vô cùng khốc liệt.
Một yếu tố cũng thường được nhắc tới và được cho góp phần gây ra các cuộc biểu tình và đảo chính là tâm lý tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp. Các chuyên gia giải thích xu hướng đảo chính đáng lo ngại tại các quốc gia nêu trên có một phần nguyên nhân do ảnh hưởng quá mức của Pháp.
Một bộ phận người dân tại châu Phi cho rằng, Pháp vẫn đang tìm cách khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước thuộc địa cũ thông qua những dự án giúp giải quyết các vấn đề kinh tế tại địa phương và tiếp tục tạo ra sức ảnh hưởng tại những nơi này bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, dẫn tới phản đối các chính phủ được Paris ủng hộ. Bên cạnh đó, các tổ chức khu vực, như AU, không thể hiện lập trường quyết liệt đối với những cuộc đảo chính xảy ra liên tục trong khu vực. Vô hình trung, giới chức quân đội ở châu Phi ngày càng tin rằng, việc chiếm đoạt quyền lực bằng vũ lực không những khả thi mà còn có khả năng chỉ phải nhận lại phản ứng vừa phải từ quốc tế.
Những cuộc đảo chính liên tiếp ở châu Phi thời gian gần đây đang đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu lục này đã trải qua trong hai thập niên vừa qua, đẩy “lục địa Đen” quay trở lại kỷ nguyên mà các cuộc đảo chính là “chuyện thường”. Giới quan sát cho rằng, xung đột và đảo chính xảy ra thường xuyên khiến châu Phi trở nên kém ổn định, viễn cảnh tiêu cực này có thể gây tâm lý lo ngại trong các nhà đầu tư và khiến tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Điều đó càng làm trầm trọng hơn những thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng, đẩy các nước châu Phi vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát.