Tổng thống Nga: Trừng phạt của phương Tây phản tác dụng
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/4 (giờ địa phương) nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt phương Tây áp lên Moscow sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã thất bại.
Trong một phát biểu trên truyền hình ngày 18/4, Tổng thống Putin cho biết phương Tây “muốn nhanh chóng làm đảo lộn tình hình kinh tế-tài chính, gây hoảng loạn trên thị trường, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và tình trạng thiếu hàng hóa” đối với Nga, tuy nhiên, “chiến lược kinh tế chớp nhoáng đã thất bại” và thay vào đó dẫn đến “sự suy thoái của nền kinh tế phương Tây”.
Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Nga kể từ khi nước này đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2.
Ông Putin cho biết “Nga đã chịu đựng được những áp lực chưa từng có”, đồng rúp đã mạnh lên và nước này đã ghi nhận mức thặng dư thương mại cao trong lịch sử là 58 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm.
Thêm nữa, ông cho rằng các lệnh trừng phạt đã phản tác dụng đối với Mỹ và các đồng minh châu Âu, làm tăng tốc độ lạm phát và dẫn đến giảm mức sống tại những nước này.
Ông Putin thừa nhận giá tiêu dùng ở Nga tăng mạnh, tăng 17,5% tính đến tháng 4, và chỉ đạo chính phủ lập chỉ số tiền lương và các khoản thanh toán khác để giảm bớt tác động của lạm phát đối với thu nhập của người dân.
Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% vào ngày 28/2 khi phương Tây bắt đầu áp trừng phạt, trước khi cắt giảm xuống 17% vào ngày 8/4. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục giảm vào ngày 29/4 tới.
Lạm phát ở Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2002 do nguồn cung thấp, nhu cầu không cao. Ngân hàng Trung ương LB Nga đặt mục tiêu đưa lạm phát về 4% vào năm 2024 khi nền kinh tế nước này đã thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các lệnh trừng phạt nước ngoài đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong số khoảng 640 tỷ USD mà Nga có trong kho dự trữ vàng và ngoại hối của mình.