Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine sẽ thua Nga nếu không có Mỹ giúp
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận nước này sẽ hứng chịu thất bại trong cuộc xung đột với Nga nếu thiếu sự giúp đỡ của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với CBSNews ngày 28/3, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định lực lượng nước này đã "kìm chân" được quân đội Nga trong những tháng mùa Đông khắc nghiệt, nhưng "chưa sẵn sàng" phòng thủ trước một đợt tiến công lớn của Nga, có thể bắt đầu vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2024.
Ông Zelensky thừa nhận Nga vượt trội Ukraine về hỏa lực, nhất là hỏa lực pháo binh, vốn có vai trò then chốt trong cuộc xung đột hiện nay. "Ở Bakhmut, Avdivka, Lysychansk và Soledar, thật khó để chiến đấu với đối phương có đạn pháo có thể bắn xa hơn 20 km", ông Zelensky mô tả.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, Kiev cần nhiều hệ thống pháo binh và tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Ông đồng thời hối thúc lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD, vốn đang mắc kẹt tại Hạ viện Mỹ do bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Khi được hỏi liệu Ukraine có thể thua cuộc nếu thiếu sự giúp đỡ của Mỹ hay không, ông Zelensky đáp: "Đó là sự thật. Chúng tôi sẽ thua. Tất nhiên không phải trong một ngày. Chúng tôi sẽ mất một phần lãnh thổ. Đó là thách thức lớn".
Ông Zelensky cũng mô tả, phần lớn ngân sách mà Mỹ viện trợ Ukraine thực tế vẫn ở lại nước Mỹ. "Thành thật mà nói, số tiền được phân bổ, trong hầu hết các trường hợp, khoảng 75-80% ở Mỹ. Đạn dược đang đến với chúng tôi, nhưng quá trình sản xuất, tiền và thuế đều ở lại nước Mỹ", ông nói.
Kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, bên cạnh việc đặt hàng vũ khí từ các nhà sản xuất để chuyển thẳng cho Ukraine, Mỹ hàng chục lần rút vũ khí trực tiếp từ kho dự trữ để có thể nhanh chóng chuyển giao cho lực lượng của Kiev. Lầu Năm Góc sau đó được bổ sung các đơn đặt hàng mới nhằm bù đắp phần đã được rút ra để viện trợ.
Tháng 2/2024, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ Shalanda Young từng xác nhận, dù Mỹ chi hàng tỷ USD viện trợ Ukraine, nhưng chính "các cơ sở công nghiệp của Mỹ nhận phần lớn nguồn viện trợ đó để chế tạo thiết bị, vũ khí, đạn dược và điều đó có nghĩa là thêm việc làm lương cao cho người Mỹ".
Bước sang năm chiến sự thứ ba, Ukraine đối mặt nhiều khó khăn trên chiến trường, khi hạ tầng công nghiệp quốc phòng gần như bị Nga xóa sổ, trong khi nguồn viện trợ từ phương Tây bị thu hẹp. Ở chiều ngược lại, Nga đã thích ứng với các lệnh trừng phạt và tăng sản lượng vũ khí lên mức chưa từng có.
Từ cuối năm 2023, Nga đẩy mạnh tiến công ở mặt trận Donetsk, trong khi duy trì tần suất không kích các mục tiêu trọng yếu ở Ukraine. Sáng 29/3, cảnh báo không kích cùng các tiếng nổ lớn vang lên ở vùng Dnipro, Khmelnytskyi cùng thủ đô Kiev khi Nga mở đợt không kích mới bằng tên lửa và UAV.