Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Phi

07:06 18/01/2023

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vừa thực hiện chuyến thăm châu Phi kéo dài từ ngày 9 - 16/1. Ông đã được chào đón nồng nhiệt tại 5 điểm dừng chân gồm Ethiopia, Gabon, Angola, Benin, Ai Cập, trụ sở Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL). Chuyến công du này được đánh giá là lời khẳng định chính sách của Trung Quốc hướng đến Lục địa Đen nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy cam kết của Bắc Kinh tại khu vực.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc này, bên cạnh những thỏa thuận hợp tác về mọi mặt kinh tế, thương mại, hạ tầng, năng lượng, y tế và văn hóa…, ông Tần Cương đã kêu gọi nâng cao vai trò của châu Phi trong quản trị toàn cầu, nhấn mạnh châu lục này cần có vai trò lớn hơn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và các cơ quan quốc tế khác để đảm bảo hệ thống quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn. Ông Tần Cương khẳng định Trung Quốc luôn cam kết hỗ trợ châu Phi giảm bớt áp lực nợ nần, tích cực tham gia sáng kiến đình chỉ nợ của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ký kết các hiệp định và đạt được thỏa thuận đình chỉ nợ với 19 quốc gia châu Phi. Đây là số tiền nợ được đình chỉ lớn nhất mà các quốc gia thành viên G20 thực hiện. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan góp phần giảm bớt áp lực nợ nần của châu Phi theo nguyên tắc “cùng hành động và cùng gánh trách nhiệm”.

Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba và Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương tại Thủ đô Libreville, Gabon. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong hơn 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và phát triển châu lục nghèo nhất thế giới này. Từ cuối những năm 1990, Bắc Kinh đã tăng cường các cam kết thương mại, đặc biệt thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) năm 2013. Các hoạt động chủ yếu gồm cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, do các công ty của Trung Quốc thiết kế và xây dựng với nguồn lực từ các công ty năng lượng và khai mỏ của Trung Quốc. Trong khi với một số nước như Ethiopia, Angola và Zambia có vị trí ưu tiên, Trung Quốc cũng đã gia tăng sự hiện diện ở hầu hết các quốc gia trong châu lục. Kể từ đầu thế kỷ mới, Trung Quốc đã xây dựng hơn 6.000km đường sắt, 6.000km đường bộ, gần 20 cảng và hơn 80 cơ sở điện lớn ở châu Phi, hỗ trợ xây dựng hơn 130 bệnh viện và phòng khám, hơn 170 trường học, 45 sân vận động và nhà thi đấu và hơn 500 dự án nông nghiệp ở châu Phi. Các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 1/8 sản lượng công nghiệp của toàn châu lục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số do Trung Quốc xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với các nền tảng để người dân châu Phi kết nối và liên lạc với nhau.

Giới phân tích cho rằng, chuyến công du của ông Tần Cương là một động thái nhằm gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong việc cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở châu Phi. Chuyến đi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi giữa tháng 12/2022, đưa ra cam kết “tất cả vì tương lai của châu Phi” cùng với khoản đầu tư 55 tỷ USD của Washington vào châu Phi trong 3 năm tới, với hơn 15 tỷ USD nhằm thực hiện các cam kết thương mại và đầu tư bổ sung trong lĩnh vực tư nhân.

Nhìn về con số, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỷ USD trong năm 2021, gấp 4 lần thương mại Mỹ - châu Phi. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất (gấp đôi đầu tư của Mỹ), và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại châu lục này. Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến Tái thiết thế giới (B3W) tháng 6/2021, một sáng kiến “dựa trên các giá trị” nhằm đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, dự kiến huy động khoảng 300 tỷ euro đến năm 2027 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới, cũng để cạnh tranh với BRI.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi không hẳn là đối đầu mà có thể vẫn song hành, bổ trợ lẫn nhau. Cam kết của Trung Quốc tại châu Phi chủ yếu liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng hóa, trong khi cam kết của Mỹ tập trung vào trao đổi công nghệ cao hơn và dịch vụ, cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nhân lực và quản trị.

Cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng có thể giúp giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và mở rộng quy mô thị trường khu vực, tăng cơ hội để các công ty Mỹ cũng như bản địa làm ăn kinh doanh. Cách tiếp cận và đầu tư của Mỹ và Trung Quốc không tương phản với nhau. Các cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cũng từng bác bỏ những ý kiến cho rằng đây là cuộc cạnh tranh phải phân ra người thắng, kẻ bại, mà có thể sẽ là cuộc cạnh tranh cùng thắng.

Có thể thấy hai nước sẽ cạnh tranh ngày càng mạnh hơn về thương mại nếu các doanh nghiệp Mỹ tăng cường cam kết vào các thị trường tại châu Phi.

Sự cạnh tranh không phải ở lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, nơi Trung Quốc có lợi thế chi phí thấp và kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại châu Phi, mà sẽ cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực y tế, công nghệ tài chính và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có thể đem lại lợi ích cho các nước châu Phi. Các chính phủ châu Phi có thể đàm phán những điều khoản thương mại thuận lợi hơn, các cộng đồng dân cư sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương, chuyển giao công nghệ với các đối tác bản địa và góp phần vào các sáng kiến thúc đẩy sức khỏe và sự thịnh vượng của người lao động. Chính vì vậy mà hầu hết nước châu Phi đều mong muốn có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Quan trọng là Washington và Bắc Kinh có sẵn sàng cân bằng lợi ích của mình với lợi ích của châu Phi khi thúc đẩy hợp tác tại khu vực này hay không.

Khổng Hà (tổng hợp)

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文