Tương lai sẽ được viết tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Joe Biden trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á với tư cách là Tổng thống Mỹ là một nhà máy bán dẫn lớn của Samsung Electronics, cho thấy thông điệp của ông về an ninh kinh tế trong bối cảnh quốc tế bất ổn.
Máy bay của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Osan Mỹ ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, ngay sau đó, ông đã đến nhà máy của Samsung, đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới. Tại đây, ông gặp trực tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người mới nhậm chức hồi tuần trước.
Chip điện tử cho thiết bị di động, mạng 5G, máy tính hay trí tuệ nhân tạo, đã trở thành một trong những lĩnh vực cạnh tranh chính giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Tổng thống Mỹ cho biết ảnh hưởng kinh tế từ cuộc chiến tại Ukraine khiến việc đảm bảo chuỗi cung ứng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ông Biden cho biết tương lai sẽ được viết ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bây giờ là thời điểm để Mỹ và các đối tác cùng chí hướng đầu tư vào nhau.
Hai nhà lãnh đạo đã tham quan nhà máy mà Nhà Trắng gọi là hình mẫu cho một nhà máy mới trị giá 17 tỷ USD mà Samsung dự kiến xây dựng ở Taylor, bang Texas (Mỹ).
Tổng thống Hàn Quốc kỳ vọng “với chuyến thăm này, quan hệ Mỹ-Hàn sẽ được tái sinh thành một liên minh kinh tế và an ninh dựa trên sự hợp tác chuỗi cung ứng và công nghệ cao”. Ông cũng thúc giục người đồng cấp Mỹ đưa ra các biện pháp khuyến khích cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Mỹ đầu tư vào mỗi nước.
Hàn Quốc dự kiến sẽ là một trong những thành viên đầu tiên của một cơ chế hợp tác có tên Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) do ông Biden đề xuất, sẽ được công bố trong chuyến đi này nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và chuỗi cung ứng.